Mistakes are sometime the best memories
lỗi lầm đôi khi là cái đáng nhớ nhất trong đời (châm ngôn)
Ăn
vụng là hành động xấu, đặc biệt đối với
trẻ em. Ngay từ nhỏ, nếu chúng ta không uốn nắn các em mỗi khi các em có hành
động ăn vụng thì các em sẽ dần chai lì với tội lỗi. Hậu quả là khi lớn lên các
em sẽ có tính tham lam, ăn cắp mà lương tâm không hề áy náy.
Bản
thân tôi đã được giáo dục sống ngay thẳng, không tham lam ngay từ khi còn nhỏ,
tôi ghét nhất là các hành vi gian dối. Nhưng cuộc đời tôi đã trải qua mấy lần
ăn vụng không thể nào quên.
Mùa
hè đỏ lửa năm 1972, chiến tranh diễn ra ác liệt tại tỉnh Quảng Trị, lúc này gia
đình tôi đang sống tại thành phố Huế cũng bị ảnh hưởng do nạn pháo kích vào
thành phố hằng đêm. Sau 2 lần di tản vào thành phố Đà Nẵng để tránh xa vùng
chiến sự, ba tôi đã bàn với mạ đưa cả nhà vào Sài Gòn lập nghiệp, lúc này gia
đình của dì cũng đã từ Quảng Trị vào định cư ở Mỹ Tho.
Vào
Sài Gòn, gia đình tôi ở nhờ gia đình một người bà con xa, trong một con hẽm có
tên là “Xóm lò heo” trên đường Bạch Đằng thuộc tỉnh Gia Định. Mạ tôi may mắn
được một người đồng hương nhận vào làm chân nấu nướng cho quán bún bò Huế do họ
mới mở cũng ở trên đường Bạch Đằng. Phải nói rằng trong chiến tranh con người
ta sống rất cởi mở và đối xử với nhau rất tốt, nếu không có những ân nhân chìa
tay giúp đở thì cả nhà tôi không biết sinh sống làm sao trên đất lạ quê người.
Tôi
còn nhớ như in, một tối nọ khi tôi tới quán bún bò Huế nơi mạ tôi làm thuê để
chờ mạ về, mạ tôi kêu tôi ra sau bếp dúi cho một cục giò heo thật to. Cầm cục
giò heo còn nóng hôi hổi, tôi theo cửa sau chạy một mạch lên chiếc cầu bắt qua
kênh nước đen Nhiêu Lộc đứng ăn. Trời tối đen nhưng tôi không còn cảm giác sợ, mùi nước kênh bốc lên rất hôi nhưng tôi cũng không
hề quan tâm, toàn bộ tâm trí tôi đang tập trung vào cục giò heo béo ngậy, một
món ăn xa xỉ mà những người tị nạn chiến tranh như chúng tôi chỉ có được trong mơ.
Dù
chiến tranh loạn lạc, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng ba mạ tôi vẫn không
quên cho chúng tôi đi học. Trong thời gian tạm cư ở Sài Gòn, tôi được nhận vào
học tại một trường dân lập. Trường mới, bạn cùng lớp thì lạ lẫm, tôi như chú chó
con co rút lại không dám đùa giởn cùng ai. Trong một chiều mưa, sau buổi học,
cả lớp tôi được phát mổi người một ổ bánh mì với lời cô dặn về nhà mới được ăn.
Đã từ lâu chưa được ăn bánh mì, hằng đêm nhìn thằng bé con bà chủ nhà nơi tôi ở
nhờ , cùng trang lứa của tôi được mẹ cho mười đồng ăn bánh mì xíu mà tôi thèm
nhỏ nước miếng. Hôm đó chị tôi đến trường để đón tôi về, hai chi em trùm chung
một tấm áo đi mưa. Không kìm được sự cám dỗ của ổ bánh mì, chị tôi dụ tôi lấy bánh
mì ra ăn. Đứng bên lề dưới một mái hiên của ngôi nhà ven đường Bạch Đằng, hai
chị em chia nhau ổ bánh mì ăn ngấu nghiến. Tôi trong lòng vừa ăn vừa lo, sợ các
bạn nhìn thấy ngày mai mét cô thì no đòn. Nhưng lo thì cứ việc lo, mùi thơm của
bánh mì đã lâu không được ăn cứ cám dỗ hoài làm tôi không thể từ chối.
Ăn
vụng là một hành động xấu, một người ngay từ nhỏ có thói quen ăn vụng thì khi
lớn lên sẽ biến thành người chuyên ăn căp. Tuổi thơ của tôi đã mấy lần ăn vụng,
cục giò heo hay ổ bánh mì ăn vụng ngay trên đường Bạch Đằng của Sài Gòn đô hội
đã không thể biến tôi thành kẻ tham lam. Kỷ niệm ăn vụng ngày xưa vẫn in đậm
trong tâm trí tôi, dạy cho tôi biết sẽ chia với nổi khó khăn của mọi người. Kỹ
niệm đó đã đưa tôi đến với những gia đình nghèo khó nơi có những con người
không may mắn trong cuộc đời, đến với những mái ấm tình thương nơi có những em
nhỏ đang cần hơi ấm tình người. Ở những nơi đó, những con người nghèo khó và
những em nhỏ mồ côi sẽ rất hạnh phúc khi được thưởng thức cục giò heo nóng hổi
hay ổ bánh mì nóng thơm lừng như tôi ngày nào .
Như
Trung. [Dinh trong Binh]
No comments:
Post a Comment