Tuesday, June 12, 2012

Hãy cùng sẻ chia




    Mấy hôm nay, chủ đề các sản phụ hay bệnh nhân tử vong khi điều trị ở các bệnh viện được báo chí khai thác khá nhiều, từ những tờ báo mạng của các đơn vị tổ chức ít tên tuổi đến các trang mạng có nhiều người quan tâm. Thông tin về các vụ tử vong khá nhiều, cách diễn đạt của nhà mạng cũng phong phú, có tờ báo chỉ thông tin mang tính chất mô tả, nhưng cũng có trang mạng làm luôn nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát điều tra vì đã đưa ra kết luận ngay ở tiêu đề bài viết.

Phản ứng của cư dân mạng thì muôn hình muôn vẽ, nhưng tựu chung lại  cũng chỉ có những lời chê bai, những lời chỉ trích cay cú. Tuyệt nhiên tôi không thấy một ý kiến cảm thông nào đối với những người thầy thuốc, những ân nhân ngày đêm bỏ công sức vì sức khỏe, vì hạnh phúc của chính chúng ta.

Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đi khám bệnh ở nhiều nơi, những điều khó chịu phải nhìn thấy tại các cơ sở khám và điều trị bệnh tôi được chứng kiến khá nhiều. Nhưng với lẽ công bằng, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, để cảm thông sẽ chia với những người thầy thuốc, để họ yêu nghề hơn và chăm sóc chúng ta ngày càng tốt hơn.

Chúng ta đang lên án các thầy thuốc nóng tính, ăn nói cộc lốc, đối xử với bệnh nhân không dịu dàng như với những Thượng Đế. Hãy thử một lần làm thầy thuốc dù chỉ ở một phòng khám đa khoa khu vực như ở địa phương tôi, hay một đêm phục vụ cấp cứu tại các trung tâm cấp cứu của các bệnh viện. Có lẽ chúng ta không chỉ cáu gắt bệnh nhân mà chúng ta sẽ trở thành những “kế mẫu” đối với bệnh nhân của mình. Chỉ trong vòng một buổi sáng, một bác sĩ phải khám cho hằng trăm bệnh nhân thuộc mọi đối tượng và tính tình tuổi tác khác nhau. Hay chỉ một đêm trực cấp cứu với số lượng bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông nhiều hơn số y bác sỹ trực, những tiếng la hét hoảng loạn của người nhà sen lẫn sự  kém hiểu biết của những bệnh nhân đang trong cơn say, lúc này đầu óc của vị bác sỹ phải hoạt động với 200% công suất nhưng mổi người trong số hàng trăm bệnh nhân và thân nhân đó đều có lý do riêng để yêu cầu mình phải được ưu tiên, phải chăm sóc và khám theo ý chủ quan của mình. Lúc đó tôi thấy vị bác sỹ đã trở thành nàng dâu cho trăm họ, họ không còn là những bác sỹ mà trở thành những lực sỹ khi phải  làm việc trong điều kiện căng thẳng vì quá tải như vậy. Các bác sỹ chỉ nổi nóng hay cáu gắt là chuyện quá nhỏ, nếu là tôi thì chỉ có vào Biên Hòa để lánh nạn.

Mổi người chúng ta trong đời cũng một vài lần phải áy náy khi người thân mà mình có nhiệm vụ chăm sóc phải ra đi, mình đã lo lắng chạy chữa tận tình chưa, còn phương pháp chữa trị nào mà mình chưa tận tình tìm hiểu để cứu sống người thân của mình. Nổi ám ảnh đó trong mỗi chúng ta ai cũng có, nó kéo dài vài tháng thậm chí vài năm. Người bác sỹ cũng như chúng ta, họ vẫn áy náy trước cái chết của mỗi bệnh nhân, mặt dù đã cố gắng cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, phương tiện không đầy đủ hay vì do sơ xuất, mỗi cái chết của bệnh nhân đều để lại trong lòng người bác sỹ một nổi nặng lòng. Đã có nhiều bác sỹ không đủ can đãm để đi hết con đường mình đã chọn mà nguyên nhân chính cũng phát xuất từ những ám ảnh nặng nề vì cái chết của bệnh nhân.

Trong khi chúng ta, những người làm việc trong các lĩnh vực khác đang lo đủ cho con cái mình cuộc sống đầy đủ, học tập ở những ngôi trường danh tiếng . Thì những bác sỹ, những người phải trên 20 năm dùi mài kinh sử với biết bao tốn kém đang sống như thế nào, mấy ai trong chúng ta thấu hiểu cho họ. Tôi biết có những phòng khám phải làm những việc đau lòng như trích bớt tiền khám sức khỏe của những người cần giấy chứng nhận khám sức khỏe để lập quỹ đen. Họ phải làm việc sai trái như vậy để người y bác sỹ sau phiên trực nhận được khoản thù lao bồi dưỡng thêm cho bằng một tô phở sáng theo thời giá thị trường. Một người sau 20 năm ăn học phải nhận những khoảng thù lao như vậy hỏi họ đau lòng biết chừng nào. Đừng trách các bác sỹ vì sao cứ lần lượt bỏ các phòng khám hay các bệnh viện tuyến dưới để về thành phố, đó là hành động họ không hề mong muốn.

Những bất cập trong ngành y tế thì có nhiều. Chúng ta hãy nhìn nhận bằng đôi mắt đồng cảm để cả xã hội chúng ta cùng chung tay tháo gỡ. Hãy giúp đỡ các thầy thuốc vượt qua khó khăn như các thầy thuốc đã giúp chúng ta vượt qua bệnh tật, để chúng ta và cả những thầy thuốc thấy tình yêu giữa người và người vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay.

Đaminh Đinh Trọng Bình

No comments:

Post a Comment