Wednesday, June 13, 2012

Phố Khuya




ON/OFF = AUDIO 
nhớ về những đêm đông-- phố xưa quê ngoại , Quảng Trị  




phố đêm đường vắng quạnh hiu
thằng bé bán mỳ vẫn bước chân
lang thang trong trời đông lạnh giá (1)


     
        M ùa đông lại về, tôi có cái thú nào hơn nằm trùm mền thật kín để lắng nghe tiếng mưa rơi sau vườn. Tiếng tí tách của những giọt mưa đưa tôi về laị quá khứ thật xưa, những mùa đông Quảng trị, khung trơì của kỷ niệm, của những ngày mưa gió lạnh lẽo nhưng kỷ niệm thì thật êm đềm, một thời bé bỏng, trẻ con.

   Đã nhớ thì tôi phải nhớ những đêm đông! Làm sao tôi quên được cái mền dạ của lính nặng chịch và thật dày. Tôi thường nằm thu mình trong cái mền ấm áp đó mà nghe tiếng mưa đêm rào rạt lên khóm chuối sau vườn. Có tiếng rao bánh mỳ trong đêm, tiếng rao thoảng đưa trong gió hú đêm trường…

    
     -mỳ ồ..mỳ nóng ồ..

    Cứ thế tiếng rao của đứa bé bán mỳ rõ dần. Tôi vội tung mền bật dâỵ chạy ra đường đón mua mấy ổ mỳ đêm.

   Ánh điện đường vàng vọt chiếu xuống làm phản chiếu màn mưa dai dẵng đang rơi nghiêng nghiêng theo chiều gió. Đứa bé bán bánh mỳ đi chân đất, đầu đôị chiếc nón lá cũ mèm. Mùa đông nó vẫn chỉ một cái quần đùi, tấm ny-lon ưu tiên che chở cho bao bánh mỳ khỏi ướt.

   Tôi đoán là đứa bé này chắc hẳn là lấy bánh mỳ tận lò mỳ Đắc Lâp và nó đã lầm lũi đi bán rao trong mưa đêm cũng mấy tiếng đồng hồ. Bao mỳ còn lại chẳng bao nhiêu, lạ thay mấy ổ mỳ vẫn còn hâm hẩm nóng.

   Mưa vẫn rơi lộp độp trên chiến nón rách, không kể ướt và lạnh nó để phần lớn miếng ny-lon choàng quanh bao mỳ cho thật kỷ. Nó như muốn chuyền hết hơi ấm của thân mình cho bao bánh mỳ. Nó chỉ mong những ổ mỳ còn lại mãi được nóng, được dòn, cho vừa lòng khách.

Tôi biết những ổ mỳ còn lại này chưa hẳn là phần lời của nó đêm nay. Và ngày mai là gạo, là cơm, là cả một trời hi vọng của mẹ của em nó đang ngóng đợi ở nhà.

   Miền trung khốn khó, một Quảng trị đất cày lên sõi đá, nắng dãi mưa dầu. Những em bé đêm đêm phải đi bán bánh mỳ lấy đồng lời về nuôi mẹ nuôi em. Tôi nhớ về một thuở chiến chinh có một lớp tuổi thơ Quảng trị không được may mắn như tôi vì tôi được cắp sách ngày hai buổi đến trường, đêm về giá rét được ấm áp trong cái mền dạ lính cùng bếp than đỏ hồng.

Trong cơn mưa bất tận, đứa bé  vẫn lầm lũi đi, tiếng rao trầm buồn lan trải trong không gian lạnh vắng.

                   -
mỳ ồ..mỳ nóng ồ..


   Âm thanh đó như một thứ gì tôi nghe buồn da diết, cô đơn, và chịu đựng mỏi mòn . Tiếng rao của đứa bé bán mỳ vẫn đều đặn vang lên trong màn  đêm mênh mang. Rồi nó lại len lỏi qua bao con hẽm vắng,  có những bóng đen đe dọa, rình rập rợn người. Nó vẫn lầm lũi đi, tiếng rao trầm đều như lời kinh nguyện cầu, của một tấm lòng hiếu hạnh, sống vì cơn đói thiếu của tình thân, của gia đình, của mẹ và em đang chờ đợi . Bầu trời đêm đông không vui như trời đêm mùa hạ; mùa có tiếng con nít chơi đùa, reo vang  từ mấy con hẻm phố, hay mùa có nhiều tiếng rao của mấy o bán chè, trứng lộn, hoặc tiếng rao cuả mấy xe phở về khuya.

    Mùa giáng sinh sắp đến, người ta đang đoàn tụ dưới những mái nhà ấm cúng, riêng đứa bé bán mỳ vẫn mãi bước chân cô đơn. Mùa này nó không còn thấy mấy anh học trò chăm chỉ ôn bài dưới ánh đèn đường; họ từng là khách hàng đắc ý nhất của nó. Dưới ánh đèn hiu hắt vàng vọt nó chỉ thấy một màn mưa vẫn mãi nghiêng nghiêng theo gió.

    Muà đông giá buốt  qua đi thì nắng lửa Hạ Lào ập đến. Lớp nhựa đường mềm nhũn ra trước sức nóng hầm hập như thiêu như đốt, thấy rõ cả những dấu dép, dấu giày hằn trên đó. Giờ đây lại là mùa để chiếc thùng 'cà-rem' màu xanh,  có ghi số quằn nặng lên đôi vai gầy guộc của đứa bé. Đời nó là thế, không bao giò ngơi nghỉ, vẫn một nhịp điêụ trầm luân!
           -Cà-rem nề..cà-rem mới ra lò nề..


   Cứ thế,  đứa bé  vừa rao vừa cứ lê bước đi trên các góc phố Quảng trị. Những cơn gió lửa Hạ Lào làm lớp nhựa đường như muốn bốc hơi, không khí như sôi lên làm cảnh vật trở nên lung linh huyền ảo.                                                            
NẮNG HẠ LÀO THỔI QUA LAO BẢO NHƯ THIÊU ĐỐT ĐƯỜNG PHỐ QUẢNG TRỊ

          Ngày xưa có những tuổi thơ Quảng trị cực như thế đó.

    Tôi chợt nhớ về một định kiến sai lầm ngày đó khi người ta phân biệt về đẳng cấp xã hội giữa giàu và nghèo . Trớ trêu thay, thành kiến lạnh lùng và tàn nhẫn này lại gieo lên những tấm thân bé bỏng gầy guộc của một lớp trẻ thơ kém may mắn đó là những đứa bé bán bánh mỳ hay cà rem - những em đó ngày cũng như đêm lang thang trên các góc phố miền trung như Quảng trị và Huế kiếm sống cho gia đình:

            -"Răng? ưa đi bán bánh mỳ hay cà rem hử !?"

   Lòng tôi dâng trào nỗi thương cảm cho thân phận một lớp trẻ thơ phải gánh chịu oan khiên từ ý nghĩ khắt khe của xã hội.

    Nhớ về những hẽm phố mùa đông, những ngày hè nắng cháy da Quảng trị thường chen lẫn tiếng rao quen thuộc từ những thân phận ngưòi phải hứng chịu gian nan quá sớm . Nhưng cũng từ những đói nghèo và gian khổ đó, những đứa bé bán cà-rem hay bánh mỳ năm xưa tự khẳng định mình là những người con hiếu đạo có tâm hồn cao đẹp mà tôi xưa này vẫn lắng hồn khâm phục ./.

San Jose mùa giáng sinh 2006
DHL



VỀ BÊN NHAU






Hạ Buồn/ Hòang Oanh

Hồn tôi đó, căn trường nho nhỏ
 Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non
Lâu rồi còn thoảng mùi hương,
 Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ.





 đoản văn mừng ngày hội ngộ Nguyễn Hoàng tại QT 24/6/2012

 

  Tháng sáu hè về.  Chúng ta sẽ về bên nhau, bên đất trường xưa để cùng ôn lại bao kỷ niệm dấu yêu, đúng bốn mươi năm xa trường, xa bạn. Vắng nhau bốn thập niên, vắng tiếng ve kêu rộn rã trong những lùm phượng hồng lung linh ánh nắng. Khó tìm nơi đất khách quê người những tàng phượng vĩ, đã bao lần gieo vào hồn người bao nỗi luyến lưu . Thơ dại của tuổi học trò ngày xưa đó, kỷ niệm êm đềm nhất đời người, đậm dấu  tâm tư thời đi học- thời áo trắng- bút nghiên - sách vở... 
 
   Xin về bên nhau, những mái đầu nay bạc trắng tuyết sương !   Bao ngày xa trường xa bạn nay tay bắt mặt mừng.  Nói cho thỏa bao nhung nhớ, thân thuơng. Mổi bạn mỗi phương trời xa cách, cùng hẹn nhau hôm nay bên trường cũ, bên mảnh đất xưa dù dấu tích nay đã  phôi pha. Ta còn nhìn ra nhau nét nào phảng phất ? hay cùng  chạnh lòng tiếc nuối một thuở  thanh xuân thoáng qua , vội vàng , như làn gió  mơn man trên mặt nước hồ thu!  Nhưng có ai tránh được sự tàn phá phủ phàng của thời gian ?  Chỉ còn
chuyện Nguyễn Hoàng, chuyện của chúng ta hôm nay, hò hẹn về đây  là hạnh phúc biết bao ! Rồi chúng ta sẽ chạnh lòng tưởng nhớ mấy đứa bạn, đi chẳng trở về !  Ôi thời gian ! cảnh biển dâu nghiệt ngã,  cùng đổi thay nhân thế - nói sao hết bao xúc động trong lòng .

     Dòng sông xưa tuy  năm tháng vẫn lững lờ trôi qua vùng đất nghèo  dẩy đầy kỷ niệm. Sông vẫn trôi sánh bước với thời gian, nhưng bến xưa giờ đây mất dấu. Nhớ biết bao, tiếng trống tan trường, con đường xưa ngập tràn áo trắng. Nhớ mấy tà áo tung bay, cùng nghiêng che vành nón . Thế nhưng tim vẫn đập rộn ràng của mấy kẻ tình si, theo dấu chân ai không bao giờ biết mõi.
Thế mới biết , kỷ niệm học trò thật đẹp, đẹp dịu dàng thơ dại, mà chúng ta ai cũng trân trọng lưu giũ ở một góc nào đó trong tâm hồn.

    Chuyện của bốn mươi năm ra đi , chuyện của người trở lại, và sau hết chuyện của ngôi trường cũ nay đã không còn, họa chăng vết tích rêu phong ,chịu cảnh phủ phàng nát tan vùi lấp. Thầy bạn năm xưa nay hồi cố huơng.  Dù chỉ một ngày, chúng ta sẽ nâng niu , trân trọng ,từng phút giây hạnh ngộ  quý giá  này, để làm hành trang lên đường  lúc chia tay.

Đinh trọng Phúc CHS NH 1965-1972

Tuesday, June 12, 2012

Hãy cùng sẻ chia




    Mấy hôm nay, chủ đề các sản phụ hay bệnh nhân tử vong khi điều trị ở các bệnh viện được báo chí khai thác khá nhiều, từ những tờ báo mạng của các đơn vị tổ chức ít tên tuổi đến các trang mạng có nhiều người quan tâm. Thông tin về các vụ tử vong khá nhiều, cách diễn đạt của nhà mạng cũng phong phú, có tờ báo chỉ thông tin mang tính chất mô tả, nhưng cũng có trang mạng làm luôn nhiệm vụ của cơ quan cảnh sát điều tra vì đã đưa ra kết luận ngay ở tiêu đề bài viết.

Phản ứng của cư dân mạng thì muôn hình muôn vẽ, nhưng tựu chung lại  cũng chỉ có những lời chê bai, những lời chỉ trích cay cú. Tuyệt nhiên tôi không thấy một ý kiến cảm thông nào đối với những người thầy thuốc, những ân nhân ngày đêm bỏ công sức vì sức khỏe, vì hạnh phúc của chính chúng ta.

Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đi khám bệnh ở nhiều nơi, những điều khó chịu phải nhìn thấy tại các cơ sở khám và điều trị bệnh tôi được chứng kiến khá nhiều. Nhưng với lẽ công bằng, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, để cảm thông sẽ chia với những người thầy thuốc, để họ yêu nghề hơn và chăm sóc chúng ta ngày càng tốt hơn.

Chúng ta đang lên án các thầy thuốc nóng tính, ăn nói cộc lốc, đối xử với bệnh nhân không dịu dàng như với những Thượng Đế. Hãy thử một lần làm thầy thuốc dù chỉ ở một phòng khám đa khoa khu vực như ở địa phương tôi, hay một đêm phục vụ cấp cứu tại các trung tâm cấp cứu của các bệnh viện. Có lẽ chúng ta không chỉ cáu gắt bệnh nhân mà chúng ta sẽ trở thành những “kế mẫu” đối với bệnh nhân của mình. Chỉ trong vòng một buổi sáng, một bác sĩ phải khám cho hằng trăm bệnh nhân thuộc mọi đối tượng và tính tình tuổi tác khác nhau. Hay chỉ một đêm trực cấp cứu với số lượng bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông nhiều hơn số y bác sỹ trực, những tiếng la hét hoảng loạn của người nhà sen lẫn sự  kém hiểu biết của những bệnh nhân đang trong cơn say, lúc này đầu óc của vị bác sỹ phải hoạt động với 200% công suất nhưng mổi người trong số hàng trăm bệnh nhân và thân nhân đó đều có lý do riêng để yêu cầu mình phải được ưu tiên, phải chăm sóc và khám theo ý chủ quan của mình. Lúc đó tôi thấy vị bác sỹ đã trở thành nàng dâu cho trăm họ, họ không còn là những bác sỹ mà trở thành những lực sỹ khi phải  làm việc trong điều kiện căng thẳng vì quá tải như vậy. Các bác sỹ chỉ nổi nóng hay cáu gắt là chuyện quá nhỏ, nếu là tôi thì chỉ có vào Biên Hòa để lánh nạn.

Mổi người chúng ta trong đời cũng một vài lần phải áy náy khi người thân mà mình có nhiệm vụ chăm sóc phải ra đi, mình đã lo lắng chạy chữa tận tình chưa, còn phương pháp chữa trị nào mà mình chưa tận tình tìm hiểu để cứu sống người thân của mình. Nổi ám ảnh đó trong mỗi chúng ta ai cũng có, nó kéo dài vài tháng thậm chí vài năm. Người bác sỹ cũng như chúng ta, họ vẫn áy náy trước cái chết của mỗi bệnh nhân, mặt dù đã cố gắng cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, phương tiện không đầy đủ hay vì do sơ xuất, mỗi cái chết của bệnh nhân đều để lại trong lòng người bác sỹ một nổi nặng lòng. Đã có nhiều bác sỹ không đủ can đãm để đi hết con đường mình đã chọn mà nguyên nhân chính cũng phát xuất từ những ám ảnh nặng nề vì cái chết của bệnh nhân.

Trong khi chúng ta, những người làm việc trong các lĩnh vực khác đang lo đủ cho con cái mình cuộc sống đầy đủ, học tập ở những ngôi trường danh tiếng . Thì những bác sỹ, những người phải trên 20 năm dùi mài kinh sử với biết bao tốn kém đang sống như thế nào, mấy ai trong chúng ta thấu hiểu cho họ. Tôi biết có những phòng khám phải làm những việc đau lòng như trích bớt tiền khám sức khỏe của những người cần giấy chứng nhận khám sức khỏe để lập quỹ đen. Họ phải làm việc sai trái như vậy để người y bác sỹ sau phiên trực nhận được khoản thù lao bồi dưỡng thêm cho bằng một tô phở sáng theo thời giá thị trường. Một người sau 20 năm ăn học phải nhận những khoảng thù lao như vậy hỏi họ đau lòng biết chừng nào. Đừng trách các bác sỹ vì sao cứ lần lượt bỏ các phòng khám hay các bệnh viện tuyến dưới để về thành phố, đó là hành động họ không hề mong muốn.

Những bất cập trong ngành y tế thì có nhiều. Chúng ta hãy nhìn nhận bằng đôi mắt đồng cảm để cả xã hội chúng ta cùng chung tay tháo gỡ. Hãy giúp đỡ các thầy thuốc vượt qua khó khăn như các thầy thuốc đã giúp chúng ta vượt qua bệnh tật, để chúng ta và cả những thầy thuốc thấy tình yêu giữa người và người vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay.

Đaminh Đinh Trọng Bình

Wednesday, June 6, 2012

Ăn Vụng

Mistakes are sometime the best memories
lỗi lầm đôi khi là cái đáng nhớ nhất trong đời
(châm ngôn)




    Ăn vụng  là hành động xấu, đặc biệt đối với trẻ em. Ngay từ nhỏ, nếu chúng ta không uốn nắn các em mỗi khi các em có hành động ăn vụng thì các em sẽ dần chai lì với tội lỗi. Hậu quả là khi lớn lên các em sẽ có tính tham lam, ăn cắp mà lương tâm không hề áy náy.

Bản thân tôi đã được giáo dục sống ngay thẳng, không tham lam ngay từ khi còn nhỏ, tôi ghét nhất là các hành vi gian dối. Nhưng cuộc đời tôi đã trải qua mấy lần ăn vụng không thể nào quên.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến tranh diễn ra ác liệt tại tỉnh Quảng Trị, lúc này gia đình tôi đang sống tại thành phố Huế cũng bị ảnh hưởng do nạn pháo kích vào thành phố hằng đêm. Sau 2 lần di tản vào thành phố Đà Nẵng để tránh xa vùng chiến sự, ba tôi đã bàn với mạ đưa cả nhà vào Sài Gòn lập nghiệp, lúc này gia đình của dì cũng đã từ Quảng Trị vào định cư ở Mỹ Tho.

Vào Sài Gòn, gia đình tôi ở nhờ gia đình một người bà con xa, trong một con hẽm có tên là “Xóm lò heo” trên đường Bạch Đằng thuộc tỉnh Gia Định. Mạ tôi may mắn được một người đồng hương nhận vào làm chân nấu nướng cho quán bún bò Huế do họ mới mở cũng ở trên đường Bạch Đằng. Phải nói rằng trong chiến tranh con người ta sống rất cởi mở và đối xử với nhau rất tốt, nếu không có những ân nhân chìa tay giúp đở thì cả nhà tôi không biết sinh sống làm sao trên đất lạ quê người.

Tôi còn nhớ như in, một tối nọ khi tôi tới quán bún bò Huế nơi mạ tôi làm thuê để chờ mạ về, mạ tôi kêu tôi ra sau bếp dúi cho một cục giò heo thật to. Cầm cục giò heo còn nóng hôi hổi, tôi theo cửa sau chạy một mạch lên chiếc cầu bắt qua kênh nước đen Nhiêu Lộc đứng ăn. Trời tối đen nhưng tôi không còn cảm giác sợ,  mùi nước kênh bốc lên rất hôi nhưng tôi cũng không hề quan tâm, toàn bộ tâm trí tôi đang tập trung vào cục giò heo béo ngậy, một món ăn xa xỉ mà những người tị nạn chiến tranh như  chúng tôi chỉ có được trong mơ.

Dù chiến tranh loạn lạc, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng ba mạ tôi vẫn không quên cho chúng tôi đi học. Trong thời gian tạm cư ở Sài Gòn, tôi được nhận vào học tại một trường dân lập. Trường mới, bạn cùng lớp thì lạ lẫm, tôi như chú chó con co rút lại không dám đùa giởn cùng ai. Trong một chiều mưa, sau buổi học, cả lớp tôi được phát mổi người một ổ bánh mì với lời cô dặn về nhà mới được ăn. Đã từ lâu chưa được ăn bánh mì, hằng đêm nhìn thằng bé con bà chủ nhà nơi tôi ở nhờ , cùng trang lứa của tôi được mẹ cho mười đồng ăn bánh mì xíu mà tôi thèm nhỏ nước miếng. Hôm đó chị tôi đến trường để đón tôi về, hai chi em trùm chung một tấm áo đi mưa. Không kìm được sự cám dỗ của ổ bánh mì, chị tôi dụ tôi lấy bánh mì ra ăn. Đứng bên lề dưới một mái hiên của ngôi nhà ven đường Bạch Đằng, hai chị em chia nhau ổ bánh mì ăn ngấu nghiến. Tôi trong lòng vừa ăn vừa lo, sợ các bạn nhìn thấy ngày mai mét cô thì no đòn. Nhưng lo thì cứ việc lo, mùi thơm của bánh mì đã lâu không được ăn cứ cám dỗ hoài làm tôi không thể từ chối.

Ăn vụng là một hành động xấu, một người ngay từ nhỏ có thói quen ăn vụng thì khi lớn lên sẽ biến thành người chuyên ăn căp. Tuổi thơ của tôi đã mấy lần ăn vụng, cục giò heo hay ổ bánh mì ăn vụng ngay trên đường Bạch Đằng của Sài Gòn đô hội đã không thể biến tôi thành kẻ tham lam. Kỷ niệm ăn vụng ngày xưa vẫn in đậm trong tâm trí tôi, dạy cho tôi biết sẽ chia với nổi khó khăn của mọi người. Kỹ niệm đó đã đưa tôi đến với những gia đình nghèo khó nơi có những con người không may mắn trong cuộc đời, đến với những mái ấm tình thương nơi có những em nhỏ đang cần hơi ấm tình người. Ở những nơi đó, những con người nghèo khó và những em nhỏ mồ côi sẽ rất hạnh phúc khi được thưởng thức cục giò heo nóng hổi hay ổ bánh mì nóng thơm lừng như tôi ngày nào .

Như Trung. [Dinh trong Binh]

MỘT VÙNG QUÊ NGHÈO

 hồi ký 

TẶNG BÀ XÃ TÚY HUỆ 

edition 


    Phân hiệu trường xã Sơn Mỹ huyện Hàm Tân
   thời gian này còn mang tên tỉnh Thuận Hải là một trong những trường quê vùng đồi dốc cao ngó ra vịnh Hàm tân biển xanh bát ngát bốn mùa gió lộng. Các thầy cô giáo ở đây có được một niềm an ủi khi phải làm việc trong chật vật khó khăn của thời bao cấp đó là những ngày hè thầy cô cùng học trò ra tận biển để tận hưởng luồng không khí mát rượi không tốn tiền mua từ biển thổi vào hay những con còng con cua núp dưới lớp cát khi sóng đánh vô. Tiếp nối xã Sơn Mỹ, xã Tân Thắng nhờ kế cận bờ biển nối dài về Bình Châu , Bưng Riềng cũng có được "kho trời đât" vô tận ngày đó.

    Những đêm mùa câu mực, một vùng biển lấp lánh muôn vàn ánh đèn thắp sáng từ hàng ngàn con thuyền và thúng. Tôi đứng trên đồi cao nhìn về biển - cả một vũ trụ của sao đèn không thể nào đếm xuể.


    Đó là ký ức của tôi về biển cùng ngư dân vùng này. Riêng trên các đồi đất cao vùng gia đình tôi sống dành cho nông dân cùng tiều phu những gia đình gắn liền mạch sống với đất rẫy cùng cây rừng . Từ hai bàn tay, cái cuốc cây rìu người dân đã tạo ra vô số luống khoai nương sắn. Rừng xanh dần dần biến mất theo miếng ăn của con người khi đất ruộng hiếm hoi. Thay vào đó các đồi trồng cây hoa màu phụ chạy dần về núi Đất hay núi Bể. Rừng còn bị bị san bằng- đốt phá cho những gánh than hay những thớ gỗ xây nhà dựng cửa. Trẻ con sau những giờ phụ mẹ cha vào rừng nhặt than, trỉa bắp các em cũng có những giờ hạnh phúc học hành với các thầy cô bên cạnh mái trường đổ nát xiêu vẹo có khi loang lỗ dấu đạn chiến tranh.


    Vợ tôi và các cô thầy giáo khác từng có cơ hội gần gũi với người dân bên nương khoai rẫy bắp, cùng đói- cùng no với trẻ con vùng kinh tế mới, dấu ấn một thời gọi là bao cấp. Tôi không quên hình ảnh các thầy cô hàng tháng phải đạp xe về tận huyên xếp hàng từ sáng đến chiều chờ "dài cổ" mới mua được tiêu chuẩn mỗi ngừoi hai lít dầu hôi cùng vài lạng (trăm gam) thịt heo. Chuyện mới kỳ vì ai cũng thích thịt heo loại "nhiều mỡ", thì ra các cô thầy ưa mỡ để rán ăn dần trọn tháng.


    Đời sống thấy cô tuy khổ nhưng dù sao cũng còn khá hơn các em vì các em có khi phải thắp đèn bằng dầu "mù - u" kiếm trong rừng vì dầu là những thứ gì thuộc loại "hiếm quý". Những đêm tôi đi rẫy về trễ nghe tiếng 'ê - a' các em học bài vọng ra từ các mái tranh làm lòng tôi xao xuyến. Ánh đèn lù mù le lói chiếu ra từ các mái tranh nghèo . Tiếng học bài của các em nhỏ tôi nghe như phần nào giảm đi nỗi hoang sơ nơi thôn dã. Ngày mai các em còn tới lớp cũng 'ê a' tiếng đọc bài theo nhịp thước của thầy- của cô tại ngôi trường mà gia đình tôi đang trú ngụ.



Hình trắng đen chụp năm 1986, học trò lớp 3 chụp chung với cô giáo tức là vợ tôi cạnh ngôi trường cũ, vách hông trường đã đổ nát trong chiến tranh, nên qua cửa sổ chúng ta thấy một khoảng sáng trắng 

                               đèn dầu mù u cho người dân quê Sơn Mỹ một thời 



    Nghèo là nghèo chung , khổ là khổ chung tất cả đều chia sẻ nhau những cơ cực. Ngày TẾT THẦY CÔ hàng năm học trò nghèo không có chi có khi lại xách luôn cả xâu cá mới câu được đem biếu cô. Có em lại đem những lon bắp hay nhũng gì trong vườn các em có được đem tới thầy cô lấy thảo. Giờ nhớ lại tôi không quên được nét ngây ngô chất phác của các em học trò vùng quê thuở ấy.

   Cô Ph được đổi về dạy gần nhà tại xã Sơn Mỹ Hàm tân và cùng dạy học với vợ tôi tại phân hiệu trường Sơn Mỹ này khá lâu. Thời bao cấp lưong cô thầy vài ba chục đồng, chủ yếu nhờ vào tem phiếu. Cô Ph cũng không ngoại lệ. Ngày tháng chắt chiu nưôi con heo đen, gầy dựng hạnh phúc cho cô đó là ngày cô đám cưới. Ngày cưới của cô gần kề, con heo cô nuôi cũng vừa lớn là chủ lực chính cho buổi liên hoan trong vùng thôn dã, là tất cả hi vọng cô đặt vào gần một năm trời chăm sóc cho nó miếng cám ngọn rau. Con heo đen ăn ròng cám chuối, vùng gần biển đôi khi cô cũng thêm cho nó một ít cá vụn . Xóm làng ai cũng xuýt xoa khen con heo mau lớn, thịt con heo này chắc là ngon lắm !

    Ngày hạnh phúc tức là ngày cưới của cô Ph đã đến. Giáo viên cùng trường như vợ tôi phải tới dự thôi. Vậy là tôi có được một ngày tạm dừng rìu rựa, ở nhà ru con cho vợ tôi đi dự đám cưới. Thời gian này nhà tôi đang tạm trú tại ngôi trường đổ nát mà vợ tôi vừa dạy học vừa ở với gia đình. Còn tôi dĩ nhiên là phu trường tự nguyện không có trợ cấp, dù sao gia đình tôi có một nơi che mưa đụt nắng là may mắn lắm rồi .

    Đứa con gái sinh năm 1995 của vc tôi đang nằm vẫy đạp trong nôi. Nhờ trời tuy khoai sắn nhiều hơn cơm nhưng con tôi lớn nhanh như thổi, trong thôn ai cũng khen , các cô thầy đi ngang đều ưa nựng bé. Tôi vừa ru con vừa ngóng tai nghe tiếng pháo đám cưới cô Ph bên thôn kế cận nhưng hoàn toàn im lặng. Tôi chợt nhớ ra làm gì thời này mà có pháo! nhất là ở vùng thôn quê rẫy bái như vùng này.

    Cái nôi tre méo mó chốc chốc rung rinh theo vẫy đạp của con gái tôi. Tôi vừa ru con tôi vừa ngó vách tường vôi loang lổ vết đạn. Mái trường một vách cưối đã sụp đổ tạm thay bằng những liếp lá buông cùng ván rừng. Qua khung cửa sổ tôi còn thấy được biển Hàm tân xanh ngắt ẩn hiện sau những hàng cây bạch đàn . Thấp thoáng vài con thuyền chài nhấp nhô trên sóng biển. Cứ mùa mực về trời càng chiều càng nhiều thuyền ra khơi . Khi màn đêm vừa buông xuống là muôn ngàn ánh đèn câu mực sẽ thi nhau lấp lánh trên vịnh Hàm tân . Mực là nguồn kinh tế là tiền là vàng cho ngư dân vùng thị xã La Gi. Người dân quê vùng cao tôi đang ở đây an phận với gánh than bó củi , hay thúng khoai " triêng" sắn , ngày ngày mịt mù trong nương rẫy cho đến lúc về nhà thì đã lên đèn , những ngọn đèn dầu mù u tỏa những làn khói xám xịt.

đèn biển mùa câu mực hàm tân 


    Hôm đó dù mất một ngày đi rẫy nhưng tôi đã sống một ngày có ý nghĩa vì vợ tôi có một ngày thoải mái cùng vui vẻ với đồng nghiệp bạn bè cùng bà con trong thôn xóm, còn tôi được một ngày gần con. Tôi làm sao quên đựơc hình ảnh vợ tôi phải bỏ một ngày may bằng tay mấy tất vải thun tiêu chuẩn cho ra cái áo mới để đi ăn đám cưới. Hình ảnh những chiếc áo dài đã thực sự biến mất vào thời gian này thế vào đó là những chiếc áo Bà Ba hay sơ mi kiểu nữ .

    Lòng tôi còn ghi đậm mớ thịt heo vợ tôi bới về sau khi ăn cưới vì thương chồng con thiếu thốn ở nhà. Đó là những lát thịt heo tôi ăn ngon nhất trong đời và cứ suýt xoa khen mãi. Con heo đen đó là cả một gia tài của một cô giáo vùng quê chắt chiu nưôi lớn , cả một ước mơ của dân áo vải quần thô, sắn khoai thay gạo. Đó là những lát thịt heo mang nặng tình nghĩa vợ chồng. Đó là kỷ niệm khó quên cho tôi về một vùng kinh tế mới - nơi có mái trường rách nát tả tơi cùng đám học trò nghèo ngây thơ, thiếu thốn đến tội nghiệp.

    Kỷ niệm một vùng quê nghèo tính thời gian bằng tuổi con gái tôi hôm nay. Thời gian trôi mau thật thấp thoáng mà đã hai mươi mấy năm qua. Hôm nay nhìn cái tủ lạnh của nhà tôi đầy ắp thức ăn, thực lòng tôi chẳng tha thiết ăn gì. Chợt nghiệm ra rằng khi qua xứ Mỹ tôi chưa lần nào có lại cái cảm giác ngon lành năm xưa như mấy lát thịt heo trong ngày cưới cô Pho. Bao nhiêu hình ảnh lần lượt hiện về trong trí nhớ tôi: vợ tôi tất tả ra về những miếng thịt heo đùm trong chiếc mũ vải, ngày cưới cô giáo làng không áo dài không tiếng pháo, đám học trò lem lưốc vùng quê , những gánh than và những rẫy sắn trải dài bất tận…

    Đóng lại cánh cửa tủ lạnh, không hiểu tại sao tôi lại buông tiếng thở dài. Tôi thở dài cũng phải, giá như ngày đó vc tôi chỉ có một phần nhỏ mạch sống như hiện tại thì đó quả thật là một "phép nhiệm mầu". Hôm nay, mỗi lần mở tủ lạnh hay nấu ăn chúng tôi chẳng biết thèm muốn thứ gì, ngoại trừ nấu ăn chiếu lệ. Chẳng ai đi ngược được thời gian nhưng từ hoài niệm về một vùng đất khổ, tôi lại cho rằng biết đâu nhờ nó chúng tôi mới có một sức bật vươn lên từ quê hương mới cũng nên./.


ĐHL edition 18/12/2023 




NGÀY VUI CƠM MỚI



ON/OFF=AUDIO
Ai đi không hẹn về sao nặng tình hai quê
Bên ni những nguyện thề
Có chạnh lòng bên tê
Quê người mưa nắng có còn tình sâu nặng
hay nhạt phai trong lòng?
...
 "hai que lyrics"
 
                       dhl vác cái cuốc chơi sau backyard  ý muốn nhớ lại "NGÀY XƯA"
 
nhớ về ba mẹ gia tôi  va` Động Đền ,Hàm Tân , Bình Thuận



ĐẤT RUỘNG ĐỘNG ĐỀN


        Đất ruộng Động Đền nổi tiếng hiếm hoi .  Một dải đất cát ven biển Hàm tân chỉ ưu tiên dành cho người nào biết chăm chỉ làm lụng, chịu khó khai hoang vỡ đất, có thể nói từng tấc đất một.  


   Kỷ niệm ở đây tôi không thể nào quên được những năm sau 1980, thời gian tôi có mặt tại "XỨ ĐỘNG", cái tên của tay sáo có biệt danh là THÀNH TÍN .  Anh cũng người gốc phường Đệ tứ tỉnh Quảng trị năm xưa .

   Lúc độc thân tính tôi siêng năng chịu khó. Tôi không bao giờ bỏ qua bờ tranh bụi lách hoang nào cả,  vì mong muốn kiếm thêm diện tích cho đám đất bạc màu trên rẫy "CHỒM CHỒM". Tôi còn nhớ một cây cầy cổ thụ to lớn,  gỗ cứng ngắt,  thiên hạ ai cũng chê,  tôi cũng không bỏ sót. Đến khi hỏi vợ xong tôi đi phụ làm ruộng với ba vợ tôi cái tánh siêng năng cũng không giảm bớt mà lại còn tăng gấp bội.

   Động Đền hồi này có đến 6 thôn ,  lại phải sống chen chúc với đám ruộng pha cát bạc màu nhỏ hẹp.  Đất hẹp đến nổi đứng bên này nói vói qua bên kia vẫn rõ giọng. Hàng trăm gia đình phải cạnh tranh nhau từng tất ruộng, bờ be, và còn có khi mích lòng nhau từng miếng nước dẩn vào đám ruộng cỏn con từng nhà.

   Thứ đất này chỉ tốt trong quá khứ vài mùa đầu khi dân QT mới di dân vào, tức khoảng sau năm 1973. Những vồng khoai củ to quá cở, chưa từng thấy,  hay những bụi sắn củ lớn đến nỗi ít ai nhổ lên được ! Đó là chuyện hơn 15 năm trước khi tôi về, chuyện mà ai là người dân xứ Động cũng còn nhắc lại . Và người dân xứ Động có người phải từ giã quê hương nghèo khó này mà ra đi biền biệt. Họ đã vào tận Rạch giá, Bạc liêu nơi ruộng đồng 'cò bay thẳng cánh' hay chịu làm phu cao su tại những vùng đất đỏ LONG KHÁNH-BIÊN HÒA.



SAN LẤP HỐ BOM

    Tôi thì bám vào những mét đất ruộng cằn cổi này ,'
đồng cam cộng khổ' với những ngừơi còn ở lại. Làm sao quên được ngày tháng cần cù chịu khó ; ba vợ tôi,  mấy đứa em vợ , và cả tôi ngày lại ngày san cả hố bom từ lâu biến thành cái hồ ở giữa đám ruộng. Cái hố bom là miếng đất hoang, chẳng ai có gan san lấp,  thế mà cả nhà tôi dám làm ! (*)

   Tính kiên trì cùng nhẫn nại là sức bật cho chúng tôi đủ ý chí  san lấp hố bom mà bà con thôn xóm chưa ai nghĩ đến. Nỗi đau khi cả nhà cùng lê lết cắt từng nhánh lúa nhẹ bấc, mất mùa , chỉ còn vài hạt,  vì đất chẳng còn gì cho cây lúa sinh sôi nảy nở.  Lúa cắt không đủ bù giống!  có nhà bỏ luôn không thèm cắt nữa ! Cánh đồng lổ đổ những đám lúa mất mùa , thiếu phân , thiếu nước. Những nhánh lúa lép xẹp, hạt ngay đơ,  chỏng ngọn lên trời như "
than thân trách phận". Chúng thấp hơn đầu gối,  buộc chúng tôi cùng hàng ngang vừa ngồi vừa cắt .  Những nhánh lúa nhẹ đến nỗi không gây được chút cảm giác nào trong lòng bàn tay !  Tôi nhớ hòai những buổi gặt lặng lẻ,- sự lặng lẻ- buồn bả,- chua cay.  Chúng tôi im lìm làm việc, những động tác chán nản khó tả,  dù không nói nhưng ai cũng mang tâm trạng giống nhau.

   Quê nghèo làm gì có trâu bò !  hoàn cảnh bấy giờ trâu bò là cả một gia tài không ai dám mơ. Không trâu bò làm ruộng,  mấy cha con chúng tôi chỉ nhờ vào cái cuốc bản thật to để cuốc mau hơn.  Mỗi lát cuốc ,  tôi phải cắn răng , mím môi,  cố sức lật cho đươc tảng đất lớn lẫn bùn sình. Sức người và những cái bừa "
cải tiến !" chúng tôi đã bừa lại ruộng trước khi cấy lúa.  Tôi và mấy đứa em vợ thay phiên nhau chòang những sợi dây thừng qua vai xong cùng nhau kéo những đường xẻ thẳng tắp bỏ đậu phụng mùa đất ẩm.  Những lúc này tôi mới nhớ lại bài hát "quê nghèo" của Phạm Duy thời kháng Pháp và cảm thấy thấm thía những câu sau:
"Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày..."

Nhưng trớ trêu thay, sự thật của bài hát này lại vận vào số phận chúng tôi không sai chút nào . Và tội nghiệp thay! đến nay thôn xóm đã có ăn, dư mặc thì hai đứa em vợ tôi nay đã ra "người thiên cổ "! Tôi thì ra tận xứ người , những đứa em ở lại thì đã nằm yên trên đồi hoang lộng gió , nhìn về biển khơi , nhìn lên núi Bể để thuơng cho những thân phận lầm than.

KHOAI CÁ BÙ CƠM 

 
   Tôi lại trở về chuyện xưa : chuyện của những  vồng khoai sau mùa ruộng.  Rơm rạ còn lại chịu lót làm phân cho mùa khoai đất ẩm.  Hình như khoai sắn là những gì đã định phần cho số dân Động Đền còn ở lại như chúng tôi,  để thấy rằng lúa cơm là những gì quý giá nhất ! và dầu có
'bong tay mỏi gối' cũng cắn răng san cho bằng cái hố bom to nhất xóm mới nghe ! Trời cũng an ủi cho số phận người dân ở gần biển, nhiều khoai thiếu gạo,  nhờ những mớ cá 'tươi rói'- dễ kiếm , trong khi ruộng đồng thiếu thốn bạc màu.

   S át bờ biển là những xóm nhà làm nghề biển. Họ ở  cạnh nhau,  nương vườn nhỏ hẹp. Mùa gió chướng,  những ngày không đi biển, họ là những nông dân cần cù. Lúc này họ chịu khó khai phá từng mẫu rừng tràm bên bờ đại dương, biến chúng thành nương khoai xanh ngắt. Khoai Động đền ông Trời bù trừ cũng có tiếng ngon,  vì trồng trên thứ đất pha cát,  xen lẫn độ mặn của biển.



   Mùa rảnh tôi ra biển phụ kéo lưới bờ với ngư dân . Hai toán người già có, trẻ có phụ nhau kéo lưới vào bờ . Thúng không ra xa nên chỉ giăng lưới rùng sát bờ kiếm cá nhỏ thôi . Tình làng nghĩa xóm người nông kẻ ngư ai cũng là lối xóm nhau cả. Mớ cá vụn kéo xong bà con chia nhau sòng phẳng không nề hà kẻ yếu người mạnh. Cứ buổi như thế tôi cũng kiếm được một bao cát cá cơm về cho mẹ tôi làm mắm.


NGÀY VUI CƠM MỚI


Thế là nhà vợ tôi cùng tôi  đã thành công san cái hố bom. Hố bom đó dĩ nhiên không thể rộng thêm nhưng đất đai cả nhà tôi đổ vào càng lúc càng nhiều . Số phận và kiên trì đã thách đố nhau. Hình ảnh cái hố bom đó đã thực sự biến mất; miếng đất hoang đã hiện thành sào lúa đầu mùa được sức trĩu nhánh. Lúa vàng óng ánh no tròn đầy hạt hòa với niềm vui của ba vợ tôi cùng tôi -người rễ tương lai- cả hai đang đứng bên lề ruộng ngắm say sưa.

                         dhl  gánh lúa về cho ông gia khi đi "làm rễ " , [Hình tượng trưng nhưng cảnh rất giống !]


             Ngày CÚNG CƠM MỚI đến. Ba vợ tôi có lệ hay cúng cơm mới sau khi hoàn tất một vụ lúa dù được hay mất mùa. Mùa cúng cơm mới cái năm mà chúng tôi thu hoạch những gánh lúa đầu tiên từ hố bom nhà tôi vừa lấp nó vui vẻ và háo hức thật. Mẹ gia tôi tất tả ra chợ từ sớm, bà cũng vui lây với niềm vui trúng mùa của chồng con. Mâm cơm mới vừa trưa là đã xong để ba vợ tôi trước là khấn nguyện tạ ơn thổ thần đất đai sau đó cả nhà tôi sẽ cùng nhau liên hoan khi đã hoàn tất một mùa làm lụng cực nhọc.

Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy ...


    Làm sao chúng tôi không vui đươc khi từng giọt mồ hôi cùng bàn tay rát bỏng để kiếm ra hạt gạo. Trong niềm vui đơn sơ - bình dị đó, lòng tôi phát sinh niềm thông cảm cho nỗi cơ cực của người nông dân. Tôi mới nhận ra được giá trị của cái nghề chân lấm tay bùn , cảm thông sâu sắc nỗi khổ ở những nơi đất hẹp người đông cùng lúa ruộng bạc màu như Động Đền nơi tôi đã ở.

Những hạt gạo trắng ngần mới thay xong lớp vỏ lúa; chúng vừa rời đồng ruộng chỉ mấy hôm thôi. Giờ đây chúng biến thân thành từng chén cơm thơm ngát cho ngày CÚNG CƠM MỚI. Vừa liên hoan chén tạc chén thù với ba vợ, tôi vừa nhìn ra cánh đồng nhỏ hẹp đang trơ gốc rạ.

   Trong niềm vui cơm mới, tôi sung sướng vì ngày cưới của vợ chồng tôi gần kề. Đồng cảm từ những hoàn cảnh nghèo nàn giống nhau, tôi bước vào làm rễ nhà vợ tôi không một điều kiện nào ngoài trừ 2 bàn tay trắng cùng một tấm lòng ngay thật.
...
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Để cho anh trai tráng được gần người gái quệ...



   Giữa cánh đồng là con đường đất duy nhất dẫn về LA GI, nơi phố thị cách Động ĐỀN không xa, vài ba con buôn đang gò lưng đạp xe trong mùa gió ngược. Mùa gió chướng đang đến, mảnh đất khô cằn này chẳng còn gì sinh thêm lợi tức. Ngoài biển người dân làm cá cũng chẳng hơn gì; sóng lớn bạc đầu, thuyền- thúng úp phơi trên cát, ít ai ra khơi.

Tôi uống thêm vài ba chung rượu vì muốn vui cho trọn vẹn một ngày - ngày VUI CƠM MỚI- vì hôm sau chuỗi thời gian thiếu thốn đang chờ.



(*)
Bây giờ nền đất trên cái hố bom xưa kia là nhà em vợ tôi tên Trần thiên Danh ở , nhưng em vợ tôi đã ra ngừơi thiên cổ để lại mảnh đất thấm mồ hôi kia cho vọ góa con côi



ĐÁM HỎI của cháu ĐINH LÂM ÂN

http://jasonchuang.smugmug.com/gallery/21652873_fmpJTV#!i=1727040783&k=K4J5rtw https://picasaweb.google.com/Danny.Y.Lai/2012_02_25EngagementPhotos2?authkey=Gv1sRgCISxuc_rypWWqwE&feat=email http://jasonchuang.smugmug.com/gallery/21652873_fmpJTV#!i=1727040783&k=K4J5rtw

Sunday, June 3, 2012

VỪA HỌC VỪA LÀM




Qua nước Mỹ tuy là xứ của cơ hội nhưng chúng ta cũng không quên điều căn bản là gắng công trì chí. Khi có công việc làm cũng không quên trau dồi thêm tri thức văn hóa để thăng tiến tay nghề.

Đứa con đầu của vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ; Tốt nghiệp xong kỹ sư KHOA HỌC VI TÍNH computer science (nó khác IMFORMATION TECHNOLOGIES-- IT tức là CÔNG NGHỆ THÔNG TIN)  trước tiên cháu  phải kiếm việc , vật lộn với tình hình khó khăn về công ăn việc làm tại Mỹ vừa đi học thêm bằng thạc sĩ chuyên ngành;

Đinh Trung phải lấy đồng lưong làm được trả học phí, khỏi mắc nợ  vừa làm công việc chu toàn tại hãng cùng những project tại trường . Trong tình hình cạnh tranh gắt gao để giữ đươc công việc tại hãng vừa phải học thêm công nghệ mới trong giáo trình thạc sĩ của khoa Khoa học Vi tính, tất cả đòi hỏi sức chịu đựng và ý chí phấn đấu của Trung.

Hôm nay ngày 16 tháng 12 , 2011 thành quả tốt đẹp đã đến cho Đinh Trung cũng là niềm hãnh diện của ba mẹ Trung cùng gia đình - và người yêu của Trung nữa .


 

CONGRATULATIONS !


LOVELY
 Mom & Dad
Dec 16th 2011