BUỒN VUI "ĐỜI ASSEMBLER"
Bỏ nghề "chạy bàn" (bồi bàn, waiter...), nói đúng ra là tôi muốn vươn lên một ít khi qua đất nước
Hoa Kỳ. Tôi muốn đi làm lảnh lương tự hào với những tấm check (ngân phiếu) có đóng thuế
có lương hưu cùng vài thứ khác cho tuổi già sau này.
Sau hai năm lăn lộn với nghề bồi bàn nói
đúng ra là ‘bưng phở’, nhận tiền mặt
(cash) vài đồng một giờ. Tuy chẳng có thuế má chi nhưng đồng lương quá ít! Người
viết xin cụ thể thêm một ít thí dụ lương giờ đi làm hãng 7 $/ giờ thì đi làm tiền
mặt chỉ có 4$/ giờ thôi. Ngoài ra còn vài lý do gia đình và riêng khiến tôi đi
đến quyết định là phải tạm biệt cái Tiệm mang nhiều dấu ấn vui buồn. Nói cho cùng, đây nơi làm việc đầu tiên cho
chặng đường xa xứ. Một nơi nặng dấu ấn ân nghĩa do nó giúp cho tôi thực hiện
khá nhiều điều ước muốn trước ngày ra đi. Ông Bà chủ khá tiếc nuối khi tôi đi
làm hãng. Lý do duy nhất: tôi là người chạy bàn chăm chỉ, siêng năng. Tuổi đời không quá già khi gia nhập vào lực lượng
lao động tại Mỹ, làm việc cạnh máy móc, ăn lương trả check, đóng thuế hẳn hoi.
Assembler, có nghĩa là thợ Lắp Ráp, so với
thiên hạ đó là giai tầng thấp nhất trong thị trường lao động Mỹ.
Thời này ông Tổng thống Bill Clinton còn tại chức. Thung Lũng Hoa Vàng biệt danh của Vùng Vịnh (Bay Area) một vùng đứng đầu về kỹ nghệ điện toán, điện tử nhất là ngành điện tử làm không hết việc. Già trẻ gì, dân mình qua đây tha hồ làm, miễn còn sức là còn làm. Làm luôn ngày nghỉ cuối tuần, hay cả ca đêm...
Nói về lương giờ qua những tấm check tôi lãnh về chưa bao giờ tới hai con số.
Assembler hay công nhân lắp ráp chưa ngang hàng được với thợ kỹ thuật (technician). Người technician lương có thể vài chục đồng một giờ. Tuy vậy hai hạng công nhân này đều bận áo xanh gọi là giới cổ xanh (blue collars). Xin mở ngoặc ở đây, khác với chúng tôi, giới cổ cồn trắng hay white collars là hạng bậc kỹ sư trở, CEO, manager, director... họ đa số nhận lương năm không phải nhận lương tính theo giờ. Nói như thế để hiểu, lương giới cổ cồn trắng cao hơn chúng tôi nhiều lần.
Thế thời thay đổi, khi các khu vực chế xuất (manufacturing sectors) ào ào chạy
qua xứ Tàu, assembler tại vùng Thung Lũng Điện tử này xem như bỏ xó? thiên hạ
thất nghiệp dài dài. Cái thời vàng son, khi ông TT Bill Clinton làm 2 nhiệm kỳ
xem như giảm đi quá nhiều.
Giờ đây, kinh tế có lên hay không, assembler có nóng sốt lại người viết cũng
đưa tay xin hàng. Tóc bạc trắng đầu tuối quá "sáu bó", ai thuê?
Chỉ mong kể lại bà con cho bạn đồng môn coi chơi, giải trí khi tất cả chúng ta
đều cùng thời bóng xế với nhau rồi cùng nhau nhớ về tháng ngày vùn vụt qua đi, sao lẹ quá?
Bước chân qua Mỹ những người “lỡ vận" như tôi nói cho đúng là "vô nghề vô nghiệp" nếu có được cái job đi làm assembler thì may rồi đâu dám đòi hỏi gì cao hơn. Tôi hay nhiều kẻ "đồng hội đồng thuyền" khác không thể so được với những kẻ có trình độ học vấn người ta cao hơn, lưu loát tiếng Anh, tuổi laị còn trẻ.
Tôi được chọn vào cái nghề assembler có nghĩa là lắp ráp điện tử khi công ăn việc làm còn "HOT", có nghĩa đang cần người vào khoảng 1997, sản xuất điện tử còn trong thời kỳ thịnh vượng. Tôi thành thật biết ơn bà Mỹ da đen tốt bụng, thú thật tôi đã quên tên. Bà ta chỉ phỏng vấn sơ sơ vài câu thôi là bà OK- nhận tôi ngay. Bà đang cần một người đứng mút cuối của dây chuyền sản xuất của cái hãng tên là Avex tại thành phố San Jose này.
Start 7$ một giờ, mức lương giờ khá cao vào thời điểm mức lương tối thiểu theo chính phủ quy định chỉ 4.23$ thôi. Các bạn có thể hình dung giá trị lương giờ lúc tôi kể...7$ có thể ăn hai tô phở tại San Jose ngày đó.
Người viết cũng xin nhắc lại thêm một lần nữa assembler là giới cổ áo màu xanh hay BLUE COLLAR. Nói đúng ra bận áo ngoài màu xanh. Ở Hoa Kỳ, đó là giai tầng lao động có đồng lương thấp bé nhất trong nền kinh tế Mỹ. Họ bận áo xanh do họ không phải là kỹ sư chuyên viên có trình độ đại học từ 4 năm trở lên mà người ta gọi là giới cổ áo trắng tức WHITE COLLAR. Giới có đồng lương cao hơn và phần lớn đều ăn lương năm.
Cái áo xanh trong giới sản xuât điện tử chúng tôi còn dành cho cả trưởng toán và technician tức là thợ có tay nghề khá cao nhưng thấp hơn kỹ sư. Leader tức là trưởng toán có công đứng coi sóc chúng tôi làm nên lương cao hơn ít đồng một giờ so với chúng tôi.
Dây chuyền sản xuất, gọi assembly line danh từ ngày xưa tôi còn thời học sinh trung học, thầy Dinh Sử Địa dạy qua về kinh tế thế giới. Học sinh trường Nguyễn Hoàng đệ nhị cấp có biết sơ qua "chút chút". Không ngờ khi lỡ vận qua đây lại gặp thứ "dây chuyền" đó. Tôi nhớ những cái máy điện tử hình dạng vuông vuông, chưa hoàn chỉnh, khi qua ngang mình thì lo làm cho nhanh. Có nghĩa tôi có bổn phận lắp vào những thứ đã ghi trước theo vị trí (station) của mình. Công việc thiên hạ cho là làm "như khỉ" nghĩa là những thao tác theo quán tính mà bỏ vào thôi. Thế thì chưa hẳn là đúng đâu, thưa bạn đọc. Họ chưa làm, chỉ nghe và thêu dệt 'thêm mắm muối' ít nhiều. Nếu người assembler không chú ý tập trung tâm trí vào công việc thì có thể gây ra lệch con ốc, cạnh board (điện tử ) và từ đó hư lạch, lỏng trớt...cái hậu quả ta sẽ trở nên "lúng ta lúng túng"...
-ÔI CHẬM MẤT THÔI!
"Chậm mất thôi!"- cũng có cái hậu quả của nó...
Những cái máy khác từ station đằng trước cứ tới ào ào, dồn dập và... khựng lại
tại station của tôi. Kết quả của "thằng làm chậm chạp" như tôi
"lồ lộ" giữa " thanh thiên bạch nhật ", quá rõ ràng:
-Hết chối nghe!
Đâu phải vậy là xong, thưa các bạn. Nào cái mặt 'khó đăm đăm ' của ông trưởng
toán hay còn gọi là leader người VN. Ông cũng là đồng huơng đó, nhưng chẳng bao
giờ có một "nụ cười thân thiện "? Tôi hiểu tâm lý này. Nếu ông ta mà
ra vẻ thân thiện thì "khó làm việc" Cái dễ ghét , cái thằng Phi Luật
Tân ở station kế tiếp với tôi, thấy tôi đang lúng túng chưa giải quyết cái máy
đẩy qua cho hắn, nhếch mép im lặng "cười ruồi"?
Một là hắn chê tôi "làm lếu", hai là hắn mừng vì có thì giờ nghỉ thoải mái nhưng lại "hợp lệ" khi tôi chưa cho máy qua.
-Hừm!
Tôi tức lắm nhưng không biết làm sao hơn. Các bạn kia thấy tôi đang kẹt hàng,
nên làm thoải mái, không gấp gáp , vì không thể dồn máy tới đông cho tôi được.
Leader nay không có lý do thúc hối. Ông ta lay hoay, lúng túng không kém. Ông
cũng sợ supervisor xuống thấy được tình hình gay go này thì khó nói cho ông lắm?
Nói theo người thợ mộc bên quê hương mình thì đó là cái cảnh "đùi cui đánh cái đục, đục đánh săng
".
Tiếng quê miềng "săng" tức là gỗ đó mà.
Phận ông leader tức là ông toán trưởng có hơn gì chúng tôi.
Người leader đó cũng là một ông đồng hương. Ông tên Tân, một H.O qua trước tôi khá lâu, nghe đâu trung tá của VNCH. Ông cũng lo trên sẽ complain (trách mắng) ông. Mà trên ông là quản đốc- supervisor- người gốc Ấn Độ có tên Randy. Supervisor này cũng sợ phía trên nữa...
Kế hoạch phải xong! hàng giao kịp ngày nhất là gần
Giáng Sinh, cuối năm công ty nào cũng cần phải thanh toán hợp đồng. Công ty nào
cũng muốn giữ gìn uy tín đối với khách hàng. Hàng nhiều thì có làm thêm giờ
overtime. Lâu lâu gần Giáng Sinh hay có overtime (1), làm thêm giờ phụ trội được
trả lương gấp rưỡi ai mà không ưa. Trước khi người nhập cư Á châu qua đông,
nghe thiên hạ nói Mỹ họ ít ưa giờ overtime hay cuối tuần lắm. Tiền thì ai cũng cần
, nhưng hạnh phúc gia đình vợ con, du hí đi chơi, Mỹ nó thích hơn. Chỉ có người
mình cần tiền, phần đông nghe có overtime thì hí hửng mừng trong bụng.
Đời assembler khổ lắm! Cái máy điện tử qua mình lắp ráp bộ phận gì thì có thêm
tờ giấy trên mặt cái máy để ký tên station mình làm. Cái ác là ở cuối dây chuyền
này có một QC tức là bà Mễ ngồi làm Quality Control - kiểm soát chất lượng lần cuối- xem lại có sơ sót gì thì trả cái
máy đó lui làm lại. Làm sao giấu ai được, khi bà ta ghi cái lỗi do station số mấy gây ra. Lại leader, đi tới chỉ trỏ, cằn nhằn đủ thứ, người assembler như tôi lại 'lúng ta lúng túng' sorry ấp úng ...
Làm assembler có nghĩa, cứ sau 2 tiếng làm việc thì được ra nghỉ giải lao 10 tới 15 phút tối đa tùy hãng. Khi ra thì phải ra một lần rồi sau đó hết giải lao phải vào một lần. Khi đường chuyền bắt đầu lăn còng cọc đó là lúc ai ở station nào thì phải có mặt ở station đó. Nên có muốn đi việc cá nhân
cũng ráng mà "nhịn đấy nhé ".
Dù sao nó cũng nhẹ hơn nơi khác, phải đứng. Giờ đây tôi được ngồi !!!bạn đọc thấy cái thuở tóc tôi còn ...đen đó mà -lúc này dùng máy ảnh phải mua phim chứ không phải máy chụp ảnh digital như thời này. Đem máy theo nhờ bạn chụp cho những tấm hình này quý lắm do hãng xưởng làm đâu có lâu dài
***
"Sống lâu cũng ra lão làng", quả đúng, làm siêng năng hai năm, quen tay, chịu khó tôi được cho lên.... test máy.
-Oai ghê!
Hồi đó tôi đã quen với computer đâu? được giao cho test máy tôi cảm thấy môt
chút hãnh diện "len lén đi vào hồn
". Cũng là cái "trò khỉ
"- cái máy nào qua tôi chỉ "đút" cable vào bấm máy coi nó có
good như lời Ông toán trưởng dặn hay không? nhưng dù sao nó cũng nhẹ hơn nơi
khác, phải đứng.
Giờ đây tôi được ngồi vào station gần cuối cạnh với QC (quality control) , tức
là cái bà Mễ coi xét tổng quát lần cuối.
Đàn ông thì làm những station nào nặng nề hơn, dĩ nhiên, đàn bà hay được ưu tiên cho làm nơi
nhẹ hơn. Khó nói chuyện trong lúc làm việc. Có mấy anh chàng Mễ được cắt công việc tiếp
tế phụ tùng (đồ parts) cho dây chuyền mới thật là sướng. Anh ta được đi lui đi tới thoải mái. Có lúc anh chàng lấy cớ tìm đồ parts lâu hơn để "câu giờ". Những ai đứng trong dây chuyền này rồi thì chẳng có cái cớ cỏn con nào. Chậm là hàng nó tới dồn
"một đống" trước mặt ê ẩm làm sao và nhất hình ảnh lúc đó sẽ "trông không giống ai" cho xem.
Bao kỷ niệm vui buồn trong đời tôi, đời cổ cồn xanh BLUE COLLAR. Đậm nét nhất là lúc kinh tế suy trầm. Từng người từng
người áo xanh bị supervisor tức là quản đốc, kêu lên văn phòng. Ôi những nét mặt
buồn ảo não "khăn gói ra về
". Anh em ở lại trong line, im lìm làm việc , không biết khi nào mình bị
kêu tên đây?
San Jose- vùng tôi ở, một thời khét tiếng
vì nó là cái nôi của THUNG LŨNG ĐIỆN TỬ
(Silicon Valley). Giờ đây những dãy hãng xưởng đó đang dần dà bị phá sập
cày đi để xây dựng những đơn vị gia cư mới. Những vùng hãng xưởng- dưới con mắt
nhận xét của tôi- ở đây đang dần dà mất dạng chứ không có xây thêm.
Biến đổi thăng trầm, thế gian này đâu cũng thay đổi lên xuống giống nhau. Dù
sao, tôi vẫn thấy luyến lưu chúng do đây là một thời kỷ niệm, khi tôi đi làm
assembler trong chiếc áo xanh hay còn gọi BLUE COLLAR./.
ĐHL
EDITION MÙA COVID HOA KỲ 8/2/021
edition 27.12.2023
Cước chú:
(1) : luật OVERTIME: ở Mỹ mỗi ngày làm quá 8 tiếng đồng hồ thì được trả
overtime giờ thứ 9 trở lên nhưng không quá 16 giờ /1 ngày
Mỗi tuần làm chưa đủ 40 tiếng thì ngày thứ Bảy không trả được overtime mà
regular . Làm đủ 40 tiếng rồi , qua thứ Bảy thì trả OVertime.
DOUBLETIME: Làm đủ 40 giờ trong tuần rồi, nếu hãng cần làm ngày CHỦ NHẬT thì phải
trả DOUBLE TIME tức là hai lần lương giờ căn bản của công nhân
No comments:
Post a Comment