Saturday, March 6, 2021

TÔI ĐI CHẠY BÀN





 TIỆM PHỞ 909 --JOB CHẠY BẢN CŨNG LÀ CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA TÔI TẠI XỨ MỸ 
tháng 9 năm 1995
[ hình chụp lại ]

   

    Gia đình tôi được đi định cư tại Hoa kỳ vào năm 1995. Đi năm này so chẳng sớm gì so với những người đi trước. 

Số H.O sau này đi trễ cũng có lý do nhưng phần đông sống tại vùng nương rẫy, ít ai có điều kiện bằng kẻ sống tại thành phố.  Số HO nói sau này, như nhà tôi chẳng hạn, khi ra đi hay 'dính' theo số nợ "tòn ten" và... dĩ nhiên mang theo bao nhiêu hứa hẹn vì bà con ai "cũng khổ "!

    Công việc đầu tiên là đi học Anh văn ESL (English as Second Language)  tại các trung tâm giáo dục người lớn (MILPITAS ADULT SCHOOL) kiếm vài ba chữ. Thế mà cái đầu sao lại khó "nạp". Ngồi trong lớp gặp toàn đồng huơng, cô giáo người Mỹ lại hiền, nên chúng tôi thuờng hay "nói chuyện". Chuyện là gì? Thuờng chúng tôi hay nhắc đến chuyện bên quê nhà thay vì gắng nghe hay học kiếm đôi ba chữ vào đầu. Cô thầy người Mỹ dạy ở đây, họ thông cảm hoàn cảnh chúng tôi, nên không khắt khe gì trong việc học tiếng Anh. Nói với thầy cô thì chúng tôi hay nói bằng... tay! có nghĩa rằng  "ra dấu" phần nhiều. Trong trí óc chúng tôi luôn luôn nghĩ về hình ảnh người thân bên nhà.  Cha mẹ, em út cùng bao nhiêu chuyện làng nước ông bà. Cuối cùng có cái chuyện không bao giờ tôi quên là ...NỢ ! 

   Dầu sao, điều tôi đáng viết đầu tiên rằng tôi phải cám ơn nước Mỹ hảo tâm đã có nhiều cách giúp đỡ bà con sang định cư nơi quê huơng mới, trong đó có gia đình vợ chồng tôi. Chính phủ nước này không bao giờ phó mặc nhà tôi cùng bầy con  dại.

  
 TIỆM PHỞ 909 một tiệm ăn gần nhà là "mục tiêu' cho tôi nhắm tới

    -Học không học thì  thôi, ta đi kiếm tiền đã!
 
  Bụng bảo dạ thế, nhưng thú thật với bạn đọc trong lòng tôi hơi ...run. Những ấn tượng, mặc cảm tuần trước khi ông bạn H.O (anh Lữ phúc Cam đã quá vãng 2023) cho con chở giúp tôi tới một tiệm fastfood- tức bán thức ăn nhanh (Dakao Sandwich). Hình ảnh người chủ, nhỏ tuổi hơn, lừ lừ nhìn tôi từ đầu xuống chân? Coi bộ anh ta chê tôi "ôm yếu và lớn tuổi" nên từ chối khéo:

- Hẹn về nhà... gọi sau.

  Bữa nay tôi đánh liều bỏ cái lớp ESL đi thẳng vào tiệm 909 này. MỘt anh chàng to mập tưởng tôi là khách, chạy vội đến, mời vào bàn. Tôi làm bộ giở tờ báo Việt ngữ lên...

   -Không, tôi xin tờ báo mà anh!

Sự thật làm gì tôi dám "kéo ghế" ăn 1 tô phở vào thời gian này!?

   Tôi đánh liều hỏi thử, tuy trong lòng tôi chẳng mấy hi vọng:

      -Đây cần người làm không anh Hai?

   Anh ta trả lời ngay:

    -A có!  anh cần làm không ? bà chủ đang cần một chân chạy bàn (waiter) mấy hôm nay đây.

   Ôi chao! tôi không tin vào tai mình? Nói sao hết nỗi mừng của tôi lúc này.

 Bà chủ giọng Bắc , cùng tiếng nói với người chồng. Cái lợi điểm cho tôi không ngờ tới : người chồng nghe tôi là H.O nên bằng lòng ngay do ông cũng là sĩ quan VNCH nhưng nhờ "vượt biên" sớm và làm ăn thành công.

      minh họa: Chiếc xe đẩy của tôi trong tiệm 909 

   Tôi được cho làm "part time" bán thời gian tức là nửa ngày nhằm thử sức ra sao? Làm nửa ngày có nghĩa là gần trưa, vào giờ "lunch", tiệm đông khách, tôi tới phụ dọn bàn.  

    Giờ người viết miêu tả sơ chiếc xe đẩy của tôi ra sao trong tiệm. Thật ra lần đầu trong đời khi sang đây tôi mới thấy chiếc xe đó. Phần sau xe luôn đèo theo một cái thùng, tôi sẽ đổ tất cả thức ăn thừa vào. Tầng trên đựng tô chén. Tầng dưới gồm hai cái thùng dựng bao nhiêu là thứ linh tinh- ly, phin cà phê v. v.. 

Vấn đề chính yếu là tôi phải dọn thật nhanh! 

   Thời này các hãng xưởng tại San Jose đang lên "như diều gặp gió". Những năm này ông Bill Clinton làm tổng thống, kinh tế Mỹ nói chung đang sung mãn, ngân quỹ Hoa kỳ dư dật. Nhân công đa phần người VN. Hãng xưởng coi bộ rất đông người Việt.  Giờ trưa họ ra cái tiệm phở  này ăn "lớp trong lớp ngoài". Cao điểm giờ trưa khi nào cũng có người chờ ngoài cửa.  Họ kiên nhẫn chờ tôi chùi sạch bàn xong mới được waiter mời vào. Bàn này dọn chưa xong thì bàn khác đang chờ. Chiếc xe đẩy của tôi tha hồ "tung hoành" còn tôi thì "tả xung hữu đột" chẳng khác chi 'vị tướng' trên trận mạc không bằng!
Vật lộn trong cái tiệm chật hẹp, dần dà tôi thật sự ngấm mệt. Lỗ tai "muốn phun khói " đến nơi.  Hai con mắt chẳng còn đâu một giây  để liếc xem cái đồng hồ treo trước cửa vào bếp. 

    Thực thế, mục tiêu của đôi mắt tôi là tô chén ăn xong, những đồng tiền "típ" khách cho, bỏ trên bàn phải thu nhanh vào cái lon trà không, đầy lon thì lo đem cho bà chủ. Bao thức ăn thừa đổ vào cái thùng trước xe. Thời gian đó, thật lòng tôi lấy làm tiếc cho những con gà con chiên vàng hươm khách ăn chỉ một nửa, những tô phở không hết, mấy dĩa cơm trắng ngần cũng chỉ vơi phần nào...

     - Ai đời? thật phí của trời, thiên hạ đang đói ! 

Đúng vậy, tâm lý của một người vừa giã từ vùng đất khổ khoai sắn thế cơm thì làm sao tránh được sự tiếc rẽ như thế.


hình cũ ngày tết các ông 'phó nhòm' xã Tân Thiện đi chụp dạo vùng kinh tế mới như nơi tôi ở. Tết 1992 có được một hình kỷ niệm chuồng heo  (hình phó nhòm Đinh Hữu Thư Cam Bình Hàm Tân)

  Tôi chợt nhớ lại cái chuồng heo, bao ngày lận đận bên nhà...đó là con heo nái vợ chồng tôi nuôi. Những con heo ăn toàn rau và xác khoai mì, cùng muối, ít khi có được cá:

     -Chà! hồi đó có bao thứ dư này cho heo mình ăn hè ?!

  Tôi chỉ nghĩ  thoáng qua thôi, vì hai chân phải hoạt động nhanh, lui tới, qua lại,  đẩy xe qua bên này dọn nhanh bàn bên kia trong khi khách đang ăn, ồn ào náo nhiệt. Vừa dọn bàn, nhưng tôi phải khéo léo với khách . Thỉnh thoảng tôi còn bỏ xe chạy vào lấy vài thứ cho hai ba người khách "khó tánh" nào đó đòi hỏi, cằn nhằn...

  Tội cho thân tôi, lúc nào tôi cũng xin cô giáo lớp ESL ra sớm mười lăm phút, xong hộc tốc chạy qua tiệm phở thì vừa lúc khách ào ào vô. Hơn 3 giờ chiều tôi ra về với điều kiện phải chùi xong sàn nhà.  Bữa cơm trưa của tôi cũng mấp mé gần hơn 3 giờ. Về nhà cơm tối tôi chẳng muốn ăn do quá mệt.

*

    Chỉ qua một thời gian ngắn, ông chủ để ý thấy tôi làm siêng năng... Siêng ở đây là không bao giờ dám đứng. Hết chùi bàn thì lại, bỏ thêm giấy lau miệng vào những cái hộp sắt tây , hay chêm thêm tương ớt. Mệt quá tôi chẳng cần gì học hành nữa. 

        Thôi ta nghỉ quách! 

    Nghỉ quách tức là quyết định dứt khoát, bỏ cái lớp người lớn ESL cạnh nhà vào "miền dĩ vãng". Cần tiền ! mà tiên đây là tiền mặt (cash) chính phủ chẳng biết, mà họ chẳng cần biết vì họ "thừa biết ". Chính phủ "du di" cho ba "thằng nghèo" như tôi có thêm chút đỉnh tiền mặt, "không khai báo" cho đời bớt khổ, chứ giàu có gì cho lắm đâu.

          Số người viết thật may mắn! 

    Không biết may hay nhờ siêng năng? Sau khoảng một tháng làm bán thời gian, tôi được ông bà chủ cho làm "full time" tức toàn thời gian.

Tôi chinh thức lên được chức "waiter"! ôi hoách chưa? waiter có nghĩa là đứng ghi order của khách . Việc chùi bàn, có thằng Mễ mười mấy tuổi vào thay. Thằng nhỏ người Mễ  nó là thanh niên tức nhiên à  mạnh hơn tôi thiệt! hết chùi bàn nó chạy lui sau bếp lo phụ clean (chùi) song chảo. Chuyện song chảo không phải dễ vì thợ bếp nấu xào liên tục, và lại chùi rửa liên tu bất tận, phải có sức mới chùi nổi. Sức nó còn đảm nhiệm việc chùi nhà, sạch restroom nói chung nó không có cái "đặc ân" mang cái tạp- dề đen cùng sơ mi trắng, quần đen dài đứng ghi order như chúng tôi.

    Trở lại việc waiter của tôi. Thời buổi này khoảng 1996 kinh tế vùng Silicon Valley này là trung tâm điện tử và điện toán thế giới. Cái hãng Solectron điện tử gần tiệm tôi làm có nhiều dãy building, nhân công toàn người VN. Họ hay 'sà qua' tiệm tôi ăn trưa. Thứ Sáu sau khi lảnh lương họ vào tiệm này ăn bánh xèo. Bánh xèo 909 tiệm tôi nổi tiếng trong vùng , "độc nhất vô nhị ". Vừa lấy order tôi vừa bưng phở. Phải nhớ số bàn theo bill mà bưng ra. Tôi phải học thuộc số của loại tô phở ,ví dụ khách kêu trong menu 1 số 4 và một số 5 tức là một tô phở lớn đặc biệt và tô phở đặc biệt vừa. ( Đó là chưa kể phải thuộc mấy món cơm ,xào khác nữa ) Những tô phở ở đây lớn đến nỗi "vịt lội còn được". Cái mâm tôi bưng ra khoảng 5 , 6 tô , nặng ơi là nặng!

  Cái điệp khúc lấy order, đem nhanh vào, bưng phở ra, mắt ngó láo liên coi ngoài cửa có khách đứng chờ hay không, mời vào bàn , không được quên đem tới bàn cuốn menu cho khách chọn món. Một waiter tốt trong tiệm này có nghĩa chân không bao giờ đi mà cũng không đồng nghĩa với chạy. Động tác đôi chân của tôi khi nào cũng phải "thoăn thoắt", miệng  không bao giờ ngơi, "nước 
sôi! nước sôi! tránh ...tránh!"

 đó là lúc tôi bưng phở ra hay "dạ thưa , ông lấy order chưa ạ " , "bàn số...thêm ly nước chanh, bàn...3 ly đá lạnh, bàn...thêm dĩa giá trụng (luộc)  " v...v

  Tôi không bao giờ có thì giờ để liếc lên cái đồng hồ. Mà coi giờ làm gì ! "khách hàng là Thuợng Đế ",  phục vụ khách và bưng phở là chính, ăn trưa cho mình  tính sau . Khi nào hết khách trưa thì cùng nhau chùi cho xong sàn nhà và thay phiên nhau ăn. Khi ăn cũng phải ngó ra cửa xem chừng có khách vào hay không ? Ăn phải nhanh kẻo khách tối đang vào. Đó là những gì tạo cho những ông bạn cũng HO, nhưng tự ái lại CAO , vao` làm waiter, hay phụ bếp chùi soong chỉ một bữa và "đầu hàng" bỏ về?

     Đây là hình ảnh người kể tự miêu tả trong giờ ăn trưa. Nhưng vào hai ngày weekend thì sao? Không thể nào nói hết cái mệt của thân tôi khi thiên hạ có thì giò rãnh đi "enjoy" vào cuối tuần. Cũng phải thôi ! họ làm cả tuần mệt mỏi, căng thẳng trong hảng xưởng, công ty, đây là lúc họ cùng gia đình đi ăn chớ. Nhất là khi tiệm tôi nổi tiếng "BÁNH XÈO".  Cũng là bánh khoái, nhưng cái bánh xèo  tiệm tôi làm to hơn. Khách thuờng kêu một cái cho mỗi người là đủ. Hai ngày cuối tuần là hai ngày tiệm đông khách nhất.  Từ chủ đến người làm đều căng thẳng.  Bù lại tiền vô ào ào ; tiền típ cũng đầy ắp làm mọi người quên hết mệt nhọc. 

       Lao động kiếm đồng tiền mặt của người VN, cho tiệm VN, là vậy. Phải làm "xịt khói" từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối , còn thâm của chúng tôi gần nửa tiếng vì dọn dẹp mà ra về.

    Khu apartment gia đình tôi thuê gần tiệm phở tôi làm. Thời gian này tôi chưa có xe mà chẳng cần xe làm gì do tôi chỉ đi bộ tới làm thôi. Có nhiều đêm vợ tôi dẫn mấy đứa con ra thăm nói đúng ra là xem tôi làm ra sao? Tôi chẳng biết có vợ con đứng ngoài cửa kiếng. Vợ tôi chỉ cho các con xem ba chúng làm lụng khổ cực ra sao? Dỉ nhiên tôi chẳng hay có con vợ đang nhìn vào từ ngoài cửa kiếng. Sau này vợ tôi kể lại, tôi mới hay. Tôi cảm động và biết vợ mình lo lắng cho sức khoẻ tôi. Nhưng dù làm lụng cực khổ ra sao cũng không bằng trách nhiệm vợ mình phãi chăm lo cho bầy con nhỏ. Một ước mong thầm kín trong lòng tôi: Biết đâu nhờ hình ảnh này mai mốt con mình chăm học chăm hành cũng nên?

    Dù sao chăng nữa, tôi cũng cám ơn tiệm VN ,quán VN nơi xứ lạ quê người. Lúc kinh tế đang lên mới có công ăn việc làm cho những người cần việc- cần tiền như tôi lúc này. Từ những chịu khó và siêng năng kia, làm tiền mặt giải quyết cho những người đi định cư xứ người với tình trạng vô nghề vô nghiệp, chưa được hòa nhập vào xã hội mới. Làm con người ta biết quý trọng đồng bạc. Hay ý nghĩa hơn, làm con người ta biết thuơng những con người lao động chân tay. 

     Ngồi kể chuyện ngày đầu qua Mỹ, ngó thì vậy mà đã ngót ba mươi năm xa xứ. Thời gian trôi nhanh vùn vụt, chẳng trách gì nay vợ chồng tôi nay đà lưng còng tóc bạc. Hình ảnh ngày đầu nơi quê hương Mỹ quốc qua ba thập niên vẫn mãi trong trí nhớ đó là chuỗi tháng ngày xa quê cùng lạ lẫm đủ thứ với những ước mong và lận đận không quên. Trong bao chuyện khó quên cho gia đình tôi ngày đầu xứ Mỹ vẫn mãi là hình ảnh ngày tôi đi chạy bàn nhằm mưu sinh cho cuộc sống ./.

ĐHL 9/3/2014
update 17.12.2023


San Jose Airport ,  tháng 9 năm 1995 
Cháu ngồi chờ cậu

DHL  đang ngồi chờ cậu  Võ đình Cư HO- 31 (qua Mỹ  thang 8 năm 1995 bang IOWA sau đi tàu lửa Amtrak về Los Angeles , xong đáp máy bay từ Los Angeles lên lại San Jose) . Cậu út Võ Bình chở tôi lên phi trường San Jose chờ đợi. Tấm hình này, cậu Bình chụp khi hai người đang ngồi đợi cậu Võ Cư. 
Tôi khi người cậu tôi bước ra cửa, nét mặt ngơ ngác lo âu làm sao...
Cậu tôi kể rằng- suốt hành trình một mình mấy đêm ngày từ IOWA về Los Angeles trên xe lửa Amtrak cậu tôi không biết một tí tiếng ANh ra dấu bằng tay thôi ; thế mà cậu tôi đổi tiền lẻ, mua hàng ăn trên tàu lửa được hết .

Tội nghiệp, giờ hai người cậu đã ra người thiên cổ

===============================


No comments:

Post a Comment