Friday, June 17, 2022

QUE DIÊM CUỐI

 

QUE DIÊM CUỐI CÙNG TRONG RỪNG SÂU


Gió đón mưa về thêm đau thương trần thế
Người bước nặng nề, tìm chưa thấy tình quê
Ai đã thề và ai đã thề
Có hồn thiêng đất mẹ đang còn nghe...

(Gió Núi Mưa Rừng - Huỳnh Anh)

 *


 Thôn Xuân Khê, tên nghe khá thơ mộng nhưng có thể ít người Quảng Trị biết đến nó. Hơn nữa, theo trí nhớ của người viết, địa danh này chưa hề được ghi chú trên bản đồ ngoại trừ Thôn Ái Tử đã có từ lâu trên bản đồ Bộ TTM/ VNCH. 

con suối lớn chảy từ núi uốn khúc chảy qua Xuân Khê và các trại tù và sẽ về vùng Ái Tử, trong bản đồ nằm giữa hai con sông Vĩnh Phước và sông Ái Tử 


Từ Thôn Ái Tử, lên hướng núi khoảng vài cây số,  thì đến Thôn Xuân Khê. Vùng này, có một con suối lớn uốn khúc chảy về đến vùng Ái Tử. Suối không lớn nhưng đủ cung cấp nguồn sống cho bốn trại tù cùng mấy thôn nghèo heo hút sống cạnh giòng nước.  Người dân mới về lại sau 1975, nên thôn Xuân Khê ngày đó chỉ có vài mái tranh nghèo, đìu hiu ngó qua trại tù chúng tôi tức là Trại 4 Ái Tử. 

Năm mươi năm rồi, người viết vẫn nhớ về Xuân Khê nằm khuất sau những mảng đồi sim tím. Tháng tám về, những đồi sim có trái chín đầy. Bóng tù thấp thoáng trong mấy lùm sim. Những ngày đi rừng lấy gỗ.

*

 Chúng tôi nhớ làm sao, hình ảnh chiếc cầu ghép bằng nhiều tấm 'ri' sắt của Mỹ do chúng tôi tạo dựng, bắc qua con suối lớn. Hình ảnh ngày xưa, quả là một thế giới khác, một trại tù cách biệt với dân. Một chiếc cầu sắt được bắc qua con suối trước  lúc dân làng trở lại.

 Tôi không quên tiếng cót -két của chiếc cầu, những lần đi rừng đốn gỗ.  Như mọi bữa, chúng tôi lên đường thật sớm,  nhiều đóm sao khuya còn lấp lánh trên trời. Chén cơm lưng lửng trong cái lon gô. Cái lon gô giờ lại nằm lọt trong cái bao cát, tôi mang xéo một bên nách. "Vũ khí" chúng tôi giờ là rựa, rìu cũng từ trại rèn ra xong phát cho từng người. Chúng tôi đã quen thuộc với chuyện đi rừng. Ai cũng rành chẳng khác chi "sáu câu vọng cổ" của nghệ sĩ cải lương ngày cũ. Chúng tôi lại thương cho mấy cái bao tử, lúc nào cũng đòi hỏi có thứ gì 'dằn' vào cái khoảng trống không.  Phần cơm đi rừng đã ít, lại chỉ được ăn để có sức mang gỗ về trại. Thế thì phải "linh động"  cho vấn đề sinh tồn. "Ngộ biến phải tùng quyền"- có nghĩa là trong 'cái đói ló cái khôn'.  Chúng tôi luồn vào rừng sắn của trại trong đêm, tìm bụi nào cao, nhiều củ...có nghĩa chỉ cần nhổ trộm hai, ba bụi sắn thôi là đủ. Những đồi sắn bạt ngàn, cả mấy trăm bàn tay người tù, khai hoang vỡ đất. Hai năm nay, bao công phá núi san rừng, đốt dọn, lượm đá, đắp vồng...Chỉ vài bụi thôi, chẳng thấm tháp gì trong hàng muôn triệu cây sắn, anh em chúng tôi có "cái no" để về lại trại.

  Tôi nhổ lên hai ba gốc sắn đã đầy cái bao cát mang theo.Thời gian đó đi rừng còn "giao khoán", có nghĩa chúng tôi đi cùng tổ không có bộ đội CS dẫn đi, miễn sao tối có gỗ về trại là được. "Trời đất" vừa sụp đổ chẳng ai còn mộng chạy đâu. 


*


 Đến rừng, riêng tôi được giao nhiệm vụ nấu sắn cho mấy người kia vào rừng kiếm gỗ. Tôi tìm đường xuống cái khe để có nước nấu bao sắn.  Kiếm cây xong, chúng tôi sẽ ăn sắn chín thật no bụng trước khi vác cây ra về.


*

   Con đường lên Rừng "Anh Tuấn" khá xa, khoảng hơn mười cây số. Thời gian đó, người dân làng nào khai hoang vùng rừng nào thì chúng tôi tạm đặt cho cái tên làng đó cho dễ nhớ. Làng (thôn) Anh Tuấn ở quận Triệu phong lên khai hoang trên này. Chúng tôi đặt khu rừng mới này là "rừng Anh Tuấn".  Đứng từ rừng "Anh Tuấn", chúng tôi có thể thấy được con đường đèo Ba Lòng tức là gần giáp với Hướng Hóa, phía bắc. Nhìn về huớng tây, rừng Trấm nay đã tan hoang sau hai năm vừa dân vừa tù khai phá. Gỗ cây về làm trại chúng tôi phải đi càng lúc càng xa hơn. Sau này ngay cả đi củi cho trại cũng xa. Trấm đang xây dựng đập-Đập Trấm- những mảng đất khai hoang  đứng xa vẫn thấy hình dạng loang lổ.

 Vừa đi tôi vừa miên man nghĩ đến hình ảnh buổi chiều vác gỗ về trại. Đó là những thời gian cuối cùng của một ngày lao động, khi ánh chiều tà còn lại những vạt nắng cô đơn trên những mảng đồi đầy sim chín. Chúng tôi sẽ  được "thoải mái" tận hưởng những trái sim chín mọng, ngọt ngào.
  Rừng dần dà gần lại trước mắt. Rừng càng xa, càng hi vọng còn nhiều cây thẳng.   Chúng tôi ngang qua các rẫy sắn của người dân đi thì trời sáng hẳn. Người dân từ những làng xa xôi dưới miệt đồng bằng phải lên đây. Họ từng chấp nhận ăn sắn thay gạo. Nhưng thật phủ phàng, các rẫy sắn hay bị heo rừng phá nát. Phần còn lại chia nhau mỗi người chỉ được vài thúng sắn tươi. Nhiều bận đi đi- về về;  xa xăm,  tốn kém,  "cơm đùm gạo bới", rốt cuộc bà con chẳng có chi,  nghèo lại hoàn nghèo - đói vẫn hoàn đói.

*

Chúng tôi băng qua vài hẻm núi mới vào được khu rừng rậm rạp, ít dấu chân người, mới hi vọng còn nhiều cây thẳng. Chia nhiệm vụ xong, chỉ còn tôi ở lại dưới khe lo chuyện nấu. 

   Hình ảnh cái hộp quẹt nội hóa- chúng tôi hay gọi là "bít- kê" (briquet) làm tại Chợ Lớn nhưng trong tù đã thành thứ hiếm. Nếu ai còn có cái zippo (tức là hộp quẹt Mỹ) thì  đã bị cán bộ CS thu giữ lâu rồi. Người viết lại lan man chuyện này cũng từ câu chuyện của "LỬA". Cũng đúng, do lửa là nguồn sống cho chúng ta, cho tù. Trong tù lửa là phương tiện đầu tiên cho ai muốn "cải thiện linh tinh"- để giúp no cái bụng.

Nhưng nếu ai đó còn cái hộp quẹt dù nội hóa, thô sơ cũng phải cần có dầu hỏa hay xăng và một thứ rất quan trọng đó là ĐÁ LỬA. Ôi chuyện kiếm cho ra đá lửa trong tù quả thật quá hiếm và quá quý.


hộp diêm thống nhất


Thời gian một mình dưới con khe đó, tôi phải có LỬA. Đó là điều tôi cần có, khi nhận nhiệm vụ nấu sắn. Tôi đã thủ sẵn trong người hộp diêm THỐNG NHẤT- vuông vuông- trong đó còn đúng 3 que diêm. Mớ củi khô tôi lo chẻ nhỏ,  một ít lá bổi làm mồi lửa.
Những khúc sắn trắng "nỏn nà" trông hấp dẫn chẳng khác chi "làn da người đẹp" giờ nằm gọn trong cái nồi gang do tổ chúng tôi mang theo. Hồi đó, trại  chúng tôi có đúc song nồi gang. Nguyên liệu để đúc có từ mấy chiếc thiết vận xa M113 bị cháy trong rừng. Tù được lệnh lên rừng cưa về. Trại sẽ nấu ra thành song, nồi, thau, vá  (cán bộ CS người bắc gọi là môi). Đúc xong, trại phát về cho từng lán, khối, tổ. Ngang đây, người viết xin nhắc về  một người có liên quan đến những cái nồi gang đúc này. Anh đó có tên là Viễn Khởi người Huế. Anh là người tổ trưởng đúc nồi cho Trại Bốn chúng tôi. Sau này anh Viễn Khởi còn sống hay chết chúng tôi chẳng biết. Một thời gian ngắn  sau khi đúc song nồi, anh biệt tích luôn. Chẳng ai còn biết gì thêm về nhân vật này.

Người tù "cải thiện" thức ăn cần nhất là lửa nấu những nơi kín đáo, muốn có lửa thì cần hộp quẹt hay diêm que Thống Nhất.


    
Tôi phải quẹt đến cái diêm cuối cùng tôi mới nhen được ngọn lửa. Trống ngực đập loạn xạ, tôi chẳng màng đến những con muỗi rừng đang vo ve hút máu tới tấp.  Mắt tôi căng ra, miệng đang dồn hết sức thổi phù phù...  Ngọn lửa bắt đầu leo lét cháy. Những làn khói yếu ớt từ từ tỏa lên bên hóc đá dưới con khe róc rách, ánh sáng mập mờ vì những tán cây rậm cùng sườn núi trên cao. Những đóm lửa đã bắt đầu bén lửa. Tôi chưa kịp mừng...
Chợt một ngọn gió xoáy nhỏ, thật ác, không biết từ đâu vụt qua. Ngọn lửa vừa bén, yếu ớt bốc lên chợt lịm tắt. Tôi hoảng hốt, run bắn người.

-Ôi cũng do mình kiếm quá ít củi khô...
 -Trời ơi! mình phải làm răng đây?

 Que diêm trong cái hộp diêm đó là que cuối cùng tôi vừa quẹt xong. Nếu tôi nhảy qua bên bụi kia lấy ít mồi khô thì chút lửa than còn lại đó sẽ tắt hết. Làm răng, làm răng... tôi thực sự hoảng hốt. Ấn tượng cuống quít đó thật khó quên. Mấy anh đó,  trong rừng ra sẽ đói dường nào. Tưởng tượng bao thất vọng của cả toán. Vác cây ra, ai cũng đinh ninh sẽ có một nồi sắn chín, ăn no đến "phình bụng"...

Bạn đọc còn nhớ các phần cơm bới theo giờ ở đâu? Cả toán đã ăn hết trước khi xách rựa vào rừng. Ai cũng đinh ninh sẽ có sắn nấu do tôi lãnh nhiệm vụ nấu ở khe này:
     -Làm răng! làm răng đây hè?!

Người tôi thật sự run lẩy bẩy do quá lo cùng hối hận.
  Cuộc đời có nhiều lúc chúng ta run rẩy do yếu bóng vía sợ ma quỷ hay do sợ chết, mất của cải quý báu nào đó. Những lúc no đủ, dư dật khó ai đồng cảm với nỗi xúc động của một người tù "mất lửa" đang đối diện với lương tâm do việc làm không tròn. Tôi sẽ hối hận tột cùng khi chứng kiến nỗi buồn lòng, thất vọng do sự hành hạ của những miếng ăn bị mất. Những cái bụng trống không, thèm khát nhiều ngày như thế nào. Một lo sợ, run rẩy sau bao năm tôi vẫn còn nhớ. Thứ cảm giác chua cay, đau xót do miếng sắn thơm ngát dẻo ngon sẽ chín nhờ LỬA; nhưng vụt mất đi do một ngọn gió vô tình.
  
    - Dưới khe một mình tôi không giữ gìn được ngọn lửa, cho lòng tin của anh em?
  Một tia sáng lóe ra trong tích tắc...
   Miếng vải mỏng màu đà tôi vừa vá đắp vào hai bờ vai áo là cứu tinh ngay tích tắc đó. 
-XO...ẠC!
 Không cần suy tính, bao nhiêu sức lực của một ý nghĩ thoáng nhanh... Miếng vải là 'cứu tinh' thật rồi- nó có pha sợi ni lon nên bắt lửa rất nhanh.

Tôi vui mừng reo lên:
   -Cháy ! cháy! cháy lên nữa 'đi em' lửa đã lên rồi!

Tôi muốn hét lên thật to cho hai bên vách núi cùng  chia sẻ với tôi niềm vui được LỬA. Một khoảnh khắc, nhớ, cảm thông. Hồn tôi trôi nhanh về một thuở hồng hoang nào đó - tổ tiên ta tìm ra ngọn lửa. Lửa bao ngàn năm tạo nên bao mạch sống ấm no. Nhưng giây phút đó, chỉ một mình tôi dưới con khe mập mờ ánh sáng của chốn rừng sâu.


   Giờ nồi sắn đang sôi sùng sục như "reo vui" cùng chủ. Cái nắp nhôm đậy trên mấy lớp lá rừng đang rung lên từng chập...

- Sắn, sắn, sắn chín rồi, các anh ơi!

 Một niềm vui không hẹn mà gặp trong những ngày tháng buồn rầu, đói khát, vô vọng và chẳng có gì là vui... 

Tôi cẩn thận đổ nồi sắn chín đầu ra, trên lớp lá chuối rừng. Những củ sắn vừa chín, nứt nẻ, thơm phưng phức. Tôi vừa làm, vừa ăn thử một miếng sắn chín, vừa gật gù như tự thưởng công. Đậy mớ sắn đó lại, tôi còn nấu thêm một nồi nữa. Nồi thứ hai này nếu ăn không hết, cả toán sẽ chia nhau, giấu đem về trại. Bỏ thêm vài que củi, tôi lấy thêm một củ sắn ra ăn như tự 'liên hoan" hay ăn mừng cho tôi khi vừa thoát một tai nạn "hết diêm -không lửa". Vừa nhai tôi vừa cất tiếng hú gọi mọi người. Xa xa có tiếng hú đáp lại- họ đang ra.
   Ngọn gió lạnh lùng quái ác kia lại trở lại. Nó đang xuyên qua lòng khe.  "Thằng khốn nạn" đang trở lại. Nó như muốn trêu tôi hay muốn hại tôi lần nữa. Khi 'hắn' vụt qua cái khoảng trống trên bờ vai áo mà tôi vừa xé, làm tôi thấy lành lạnh.

 Không sao, tôi đã chiến thắng, sắn đã chín, đã sẵn sàng cho các anh đó ra ăn.

Bỗng dưng tôi hưng phấn hẳn lên, vội cất tiếng hú thật to gọi các anh trong toán thêm lần nữa.


*

                                     

                          đường về trại tù Ái Tử


Chúng tôi ra khỏi rừng thường trời đã xế bóng. Trời nắng đó là những ngày vui. Sẵn sàng vác gỗ lên vai, chúng tôi hướng về đồng bằng, chân bước nhanh như nhớ thương dưới đó.

Đoàn người vác gỗ nhấp nhô. Bóng họ ẩn hiện qua mấy trảng đồi. Tháng Tám về, không gian buồn tênh chen trong màu tím hoa sim như cam phận hay cảm thông cho những người thua trận. Ánh tà dương từ từ khuất dần phía tây.  

Trong rừng sâu núi thẳm của gió núi mưa rừng, một ngày xưa có những bóng tù len lỏi đi tìm cây gỗ thẳng. Một ngày xưa, khi bóng chiều bảng lảng xuống nhanh bên mấy trảng đồi có mùa sim chín mọng, vị ngọt của trái rừng nhưng cũng là những kỷ niệm buồn da diết đắng cay từng  trải dài theo bước chân người tù đi nhanh./.

ĐHL ký ức tù binh 

last edition  by ĐHL 

17/6/2022